Theo dõi trên

Xuất khẩu hàng hóa còn gặp khó

11/07/2023, 05:11

Vì nhiều nguyên nhân, xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận trong nửa đầu năm 2023 vẫn còn gặp khó, thể hiện qua kim ngạch giảm gần 17% so cùng kỳ năm ngoái…

Số liệu Cục Thống kê Bình Thuận ghi nhận qua 6 tháng đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đem về cho địa phương hơn 330 triệu USD, giảm gần 17% so cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực thì có 2 nhóm “đầu tàu” giảm khá mạnh về kim ngạch, cụ thể: Nhóm hàng thủy sản ước đạt 106,5 triệu USD (giảm 21,8%), nhóm hàng hóa khác đóng góp khoảng 217 triệu USD (giảm 15,28%), riêng nhóm hàng nông sản là 7,2 triệu USD (tăng 25,78%).

img_0037.jpg
May mặc - sản phẩm đem lại kim ngạch đáng kể trong xuất khẩu hàng hóa của địa phương (Ảnh minh họa). 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận có chiều hướng đi xuống xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Mặt khác thời gian gần đây, đơn hàng xuất khẩu giảm khiến không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, trong đó có những ngành hàng thế mạnh của địa phương. Như tại các KCN Bình Thuận, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc, da giày, sản phẩm gỗ… đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, lượng đơn đặt hàng giảm từ 30 - 40% so cùng kỳ năm trước.

Thực tế cũng cho thấy trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường trọng điểm của Bình Thuận đều thể hiện mức tăng trưởng âm về kim ngạch với kết quả ước đạt 328,21 triệu USD (giảm 17,11% so cùng kỳ). Trong đó xuất sang thị trường châu Á được 232,69 triệu USD (giảm 4,77%), thị trường châu Âu khoảng 19,24 triệu USD (giảm 52,83%), thị trường châu Mỹ là 72,4 triệu USD (giảm 32,51%)… Vì vậy việc hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận trong cả năm đề ra 819 triệu USD là không dễ, bao gồm: Nhóm hàng thủy sản phấn đấu đạt 260 triệu USD, nhóm hàng nông sản khoảng 16 triệu USD, nhóm hàng hóa khác là 543 triệu USD.

Nói để thấy rằng khó khăn đang còn phía trước, bởi đến nay thực hiện chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới đạt hơn 40% kế hoạch, đồng thời cả 3 nhóm hàng chủ lực đều chưa hoàn thành một nửa kế hoạch năm 2023 (trong đó thủy sản đạt hơn 40%, nông sản đạt 45% và hàng hóa khác đạt gần 40%). Thế nên bước vào nửa cuối năm nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận cần được tập trung tìm giải pháp vượt khó, cùng với đó đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm duy trì thị trường truyền thống cũng như mở rộng tiêu thụ các sản phẩm lợi thế của địa phương ra bên ngoài. Trong đó chú trọng một số thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch của tỉnh như Nhật Bản (mặt hàng chủ yếu như tôm, cá, thủy sản, dệt may), Đài Loan (bộ quần áo, thủy sản), Mỹ (giày dép, tôm thẻ), Trung Quốc (tôm, giày dép, các loại quặng)…

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Tân trước cơ hội phát triển kinh tế
Với vị trí địa lý thuận lợi cũng như đang nắm giữ nhiều cơ hội phát triển kinh tế, do vậy Hàm Tân sẽ tận dụng và tập trung nguồn lực để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện…
Nổi bật
Nhớ về tháng 4 lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu hàng hóa còn gặp khó