Theo dõi trên

Công tác chống khai thác IUU tại cảng cá: Còn nhiều việc phải làm

10/07/2023, 05:16

Còn nhớ năm 2019, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã có đợt kiểm tra tình hình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại cảng cá Phan Thiết. Lúc ấy, mọi thứ còn ngổn ngang, mới lạ, chưa đi vào khuôn khổ. Sau hơn 4 năm nỗ lực khắc phục những tồn tại mà đoàn công tác chỉ ra, cũng như dồn sức triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC, công tác chống khai thác IUU tại tỉnh nói chung và cảng cá Phan Thiết nói riêng đã có nhiều thay đổi đáng kể.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thời gian qua, để thay đổi từ nhận thức đến hành vi của người dân, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã triển khai linh hoạt bằng nhiều biện pháp, vừa kết hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát vừa thực hiện các biện pháp chế tài gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và người đứng đầu. Tại Cảng cá Phan Thiết, các quy định của pháp luật về hoạt động thủy sản và chống khai thác IUU được tuyên truyền thường xuyên 2 buổi/ngày trên hệ thống loa phát thanh và thông qua việc phát tờ rơi đến tận tay các chủ tàu, thuyền trưởng và lao động biển tại cảng. Bên cạnh đó, bám sát khuyến nghị của EC, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá đã tăng cường kiểm soát tàu cá xuất bến đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên; kiểm tra nhập bến, lên cá và thu nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác. Không chỉ vậy, Ban quản lý (BQL) Cảng cá Phan Thiết còn in, cấp phát sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải cho chủ tàu, thuyền trưởng. Phối hợp các lực lượng tại Văn phòng kiểm soát nghề cá tuyên truyền trực tiếp các quy định pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng tại cảng. Nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng theo kiểu “mưa dầm thấm đất”, mà ngư dân đã có nhiều chuyển biến trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU, nhất là việc thông báo cho ban quản lý biết trước một giờ khi tàu xuất bến, vào bến và nộp nhật ký khai thác.

mua-ca-nam-anh-n.-lan-10-.jpg
Tàu cá cập cảng Phan Thiết bốc dỡ thủy sản (ảnh: N. Lân)

Bên cạnh đó, BQL cảng cá còn bố trí người trực trên các bến để thực hiện giám sát tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản. Đặc biệt, giám sát 100% tàu cá ngoài tỉnh ra vào cảng; kiểm soát 100% thông tin liên quan (tàu cá, nguồn gốc thủy sản khai thác) của tàu cá tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác. Đối với tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, từ chối cho bốc dỡ sản phẩm và thông báo cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định. Phối hợp Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá nhắc nhở, yêu cầu thuyền trưởng mở thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ khi tàu rời cảng đến khi cập cảng. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Thực hiện thẩm định thông tin đề nghị xác nhận về khối lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng; đối chiếu vùng và thời gian khai thác với hành trình khai thác của tàu cá thông qua truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát hành trình; đối chiếu dữ liệu phần mềm VNFISHBASE. Tính đến thời điểm này, số lượng hồ sơ và tổng sản lượng thủy sản đã cấp là 24 giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản với sản lượng 440 tấn hải sản.

Còn nhiều tồn tại

Theo ông Hồ Ngọc Đài – Giám đốc BQL Các cảng cá, mặc dù, công tác chống khai thác IUU tại cảng cá, giám sát sản lượng bốc qua cảng đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tuy việc tàu thông báo trước ít nhất 1 giờ khi ra, vào cảng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Nhưng vẫn còn một số thuyền trưởng, vẫn chưa thực hiện hoặc thông báo để đối phó cung cấp thông tin không đầy đủ, không đúng quy định trước 1 giờ gây khó khăn cho việc ghi chép sổ sách và tổ chức kiểm tra của Văn phòng kiểm soát nghề cá. Bên cạnh đó, một số thuyền trưởng chưa chủ động ghi nhật ký trên biển mà vào cảng mới ghi, ghi còn sai sót, thiếu nhiều thông tin, cá biệt có một số thuyền trưởng nhờ người thân ở nhà ghi sẵn nhật ký dẫn đến các thông tin về số chuyến biển, kích thước nghề, sản lượng, tọa độ khai thác không chính xác. Một số thuyền trưởng tàu cá không thực hiện nộp nhật ký cho cảng cá trước khi bốc dỡ thủy sản, khi có lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra thì mới ghi, nộp nhật ký... Do đó nhân viên BQL cảng phải mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn thuyền trưởng chỉnh sửa nhật ký, yêu cầu thuyền trưởng nộp nhật ký trước khi bốc dỡ sản phẩm.

mua-ca-nam-anh-n.-lan-14-.jpg
Một số thuyền trưởng chưa chủ động ghi nhật ký trên biển mà vào cảng mới ghi (ảnh: N .Lân)

Thêm vào đó, theo ghi nhận tại các cảng cá như: Phú Hải, Phan Rí Cửa, Liên Hương do luồng lạch bị bồi lấp, các tàu dưới 15 mét đi về trong ngày không thể cập cảng, mà vận chuyển sản phẩm vào cảng bằng thúng chai, xuồng nên khó khăn trong thu nhận nhật ký, giám sát sản lượng. Một số tàu khai thác sai nghề so với giấy phép khai thác nên sản phẩm khai thác và sản lượng ghi trên nhật ký không phù hợp với nghề khai thác. Chưa kể, một số tàu không bật máy giám sát hành trình từ khi xuất bến mà đến gần vị trí khai thác mới mở máy hoặc tắt máy giám sát trên đường chạy về trước khi cập cảng. Việc phát tín hiệu giám sát bị lỗi dẫn đến tín hiệu gián đoạn, ảnh hưởng đến việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Vào những thời điểm nhiều tàu cá cùng cập cảng bốc dỡ thủy sản, nhân lực để thực hiện giám sát sản lượng không đủ, nên việc giám sát còn thông qua số liệu của chủ tàu hoặc nậu, vựa cung cấp…

z4458825566172_4eee403010159c55b92d8529cf4662f8.jpg
Tại cảng Phan Rí Cửa, một số tàu cá vận chuyển sản phẩm vào cảng bằng thúng chai, xuồng nên khó khăn trong thu nhận nhật ký, giám sát sản lượng

Do đó, BQL Các cảng cá kiến nghị các cơ quan có liên quan, các địa phương vùng biển tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, đồng thời phối hợp tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát cao điểm hàng tháng tại các cảng cá và cửa biển để yêu cầu thuyền trưởng tàu cá thực hiện nghiêm việc thông báo trước ít nhất 1 giờ khi tàu ra vào cảng; ghi nộp nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, báo cáo khai thác theo quy định. Nếu không thực hiện, phải có chế tài, biện pháp căn cơ để răn đe, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của chủ tàu, thuyền trưởng trong việc chấp hành các quy định khi tàu cá hoạt động tại cảng cá. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần thường xuyên kiểm tra, yêu cầu tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên phải cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản và vận hành liên tục thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động khai thác thủy sản theo quy định. Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ theo dõi, nâng cao chất lượng đường truyền tín hiệu đảm bảo dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá được liên tục trong suốt quá trình hoạt động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu khi mua nguyên liệu thủy sản khai thác được xác nhận nguồn gốc...

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS): Trục trặc nhiều, hỗ trợ ít
Đó là tình trạng xảy ra khá phổ biến thời gian gần đây, khiến nhiều ngư dân trong tỉnh bức xúc. Tình trạng mất kết nối khi tàu cá đang hoạt động trên biển không chỉ gây khó cho ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý tàu cá. Ngoài những nguyên nhân chủ quan, tình trạng này do sự chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa thiết bị VMS của các đơn vị lắp đặt và cung ứng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công tác chống khai thác IUU tại cảng cá: Còn nhiều việc phải làm