Theo dõi trên

Chống khai thác IUU: Đã quyết tâm cần quyết tâm hơn nữa

25/05/2023, 05:25

Cùng cả nước, 5 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận đã rất quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” trong năm nay.

Quyết liệt nhiều giải pháp

Với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống khai thác IUU tiếp tục được UBND tỉnh triển khai sâu rộng, với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng ngư dân. Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển. Tính đến ngày 12/5/2023, toàn tỉnh có 1.941/1.961 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 99%. Nhờ đó, đã hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.

z4341100558111_a7eb85891d0c92cb43a516f17fa86261.jpg
Tỷ lệ lắp thiết bị VMS trong tỉnh đạt 99% (ảnh: N. Lân).

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ngành chức năng, việc lắp đặt thiết bị VMS vẫn chưa hoàn thành 100% theo quy định. Công tác quản lý đội tàu bộc lộ nhiều bất cập, số lượng tàu cá chưa đăng ký, chưa được cấp phép khai thác còn nhiều, có trường hợp gỡ thiết bị VMS gửi cho tàu hoạt động trong vùng biển cho phép, cho thấy tình trạng khai thác IUU còn phổ biến, nhất là tàu cá nhỏ dưới 12 m. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm soát, chống khai thác IUU tại một số cảng cá (thống kê tàu cá xuất nhập bến, giám sát sản lượng qua cảng) chưa đảm bảo độ tin cậy. Công tác thực thi pháp luật còn hạn chế, nhiều hành vi khai thác IUU chưa được xử lý, kể cả tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài... Tồn tại lớn nhất và lo lắng nhất hiện nay là Bình Thuận nói riêng và một số tỉnh, thành nói chung chưa chấm dứt triệt để tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2023 đến nay, Bình Thuận vẫn còn để xảy ra 1 vụ vi phạm, ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của tỉnh và cả nước trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

luc-luong-lien-nganh-chot-kiem-dich-cang-phan-thiet-tuan-tra-va-tuyen-truyen-phong-chong-dich-den-lao-dong-bien-anh-nl-5-.jpg
Lực lượng liên ngành kiểm tra tàu cá xuất nhập bến (ảnh tư liệu) - N. Lân

Thời gian qua, việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị. Các đơn vị chức năng và địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển. Triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Song song đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến, theo dõi tàu cá nghi vấn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Công an tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng thường xuyên tổ chức nắm tình hình, điều tra các trường hợp móc nối đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài trái phép. Bên cạnh hình thức xử phạt chính, áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, đưa ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động vùng biển xa, dừng tất cả các chính sách hỗ trợ đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài...

z4341100602750_ae2ee6c7e9c5fa1cfd611bc7ced3855e.jpg
Chưa có cơ chế “phạt nguội” khi phát hiện có trường hợp tàu cá vượt ranh giới cho phép thông qua VMS (ảnh: N. Lân)

Nguy cơ vẫn cao

Với những giải pháp quyết liệt đó, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài giảm dần qua các năm, đặc biệt trong gần 2 năm (từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2021) Bình Thuận không có tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2023, đã xảy ra 1 vụ/1 thuyền/7 lao động bị Malaysia bắt giữ. Tình hình trên cho thấy, công tác quản lý tàu cá đăng ký trong tỉnh thường xuyên hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ ở cả hai đầu nơi đi và nơi đến; công tác trao đổi, phối hợp, xử lý thông tin tàu cá hoạt động ngoài tỉnh chưa tốt.

tang-qua-ao-phao-co-to-quoc-cho-ngu-dan-phan-thiet-anh-nl-2-.jpg
Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh bạn để tăng cường quản lý tàu cá (ảnh: N. Lân)

Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống IUU của tỉnh mới đây, đại diện xã Tân Xuân, lãnh đạo UBND huyện Hàm Tân nơi có 1 trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài vào tháng 1/2023 đã báo cáo lại vụ việc và thừa nhận công tác nắm bắt tình hình chưa chặt chẽ, công tác vận động, tuyên truyền chưa sâu sát. Địa phương đã nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cũng như những người có liên quan. Thượng tá Phạm Xuân Độ - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cũng nhìn nhận việc phối hợp giữa đơn vị với tỉnh Bạc Liêu và địa phương không có biển chưa kịp thời, thiếu giám sát dẫn đến xảy ra vụ việc không mong muốn. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, căn cứ pháp lý để xử lý hình sự lẫn xử phạt hành chính thuyền trưởng, thuyền viên sau khi bị nước ngoài thả về. Vì theo Luật Thủy sản 2017, chưa có quy định “phạt nguội” khi phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình, có trường hợp tàu cá vượt ranh giới cho phép... Do đó, từ cuối năm 2020 đến nay, tỉnh chưa xử phạt bất cứ trường hợp nào tàu cá đi đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải rất quan tâm, yêu cầu BĐBP tỉnh rút kinh nghiệm, không thể vì lý do các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn mà không ra quyết định xử phạt. Các tỉnh, thành khác làm được tại sao mình lại không? Đơn vị mình phải quyết liệt trong công tác này, để những trường hợp bị nước ngoài thả về không có cơ hội tái phạm...

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh mục tiêu từ nay đến hết năm 2023, kiên quyết không để tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Để làm tốt điều này, các thành viên BCĐ, các địa phương vùng biển đã quyết tâm, cần quyết tâm hơn nữa trong lãnh, chỉ đạo để những giải pháp chống khai thác IUU đạt hiệu quả hơn thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ, quyết liệt các nhiệm vụ chống khai thác IUU, trọng tâm là quản lý, kiểm soát đội tàu, hạn chế tối đa số lượng tàu cá bất hợp pháp... Chỉ đạo quản lý, vận hành, phát huy hệ thống giám sát tàu cá trong kiểm soát hoạt động tàu cá trên vùng biển xa bờ. Phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển, xử lý nghiêm tàu cá có hành vi tháo thiết bị VMS gửi cho tàu khác.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh bạn, các lực lượng chức năng trên biển và giữa lực lượng Biên phòng với địa phương để quản lý, kiểm soát tàu cá, ngư dân của tỉnh. Đặc biệt, yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát, giám sát, ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xử phạt tối đa theo khung pháp luật quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm đánh bắt trái phép đã phát hiện từ cuối năm 2020 đến nay, nhất là vụ việc ở xã Tân Xuân – Hàm Tân...

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh mục tiêu từ nay đến hết năm 2023, kiên quyết không để tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS): Trục trặc nhiều, hỗ trợ ít
Đó là tình trạng xảy ra khá phổ biến thời gian gần đây, khiến nhiều ngư dân trong tỉnh bức xúc. Tình trạng mất kết nối khi tàu cá đang hoạt động trên biển không chỉ gây khó cho ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý tàu cá. Ngoài những nguyên nhân chủ quan, tình trạng này do sự chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa thiết bị VMS của các đơn vị lắp đặt và cung ứng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống khai thác IUU: Đã quyết tâm cần quyết tâm hơn nữa