Tuy nhiên sự tăng trưởng giữa các nhóm hàng không đồng đều, trong khi nhóm hàng thủy sản và hàng hóa khác tăng trưởng khá cao do nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài thì nhóm hàng nông sản lại giảm mạnh so cùng kỳ năm trước do không ổn định ở thị trường Trung Quốc...
Xuất khẩu tăng 23,09%
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2022 đạt 775,9 triệu USD, tăng 23,09% so năm trước. Trong đó nhóm hàng thủy sản đạt 245,88 triệu USD, tăng 42,45%; nhóm hàng nông sản đạt 14,77 triệu USD, giảm 19,47%; nhóm hàng hóa khác đạt 515,25 triệu USD, tăng 17,26%. Xuất khẩu trực tiếp năm 2022 đạt 767,63 triệu USD, tăng 23,24% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất sang thị trường châu Á đạt 503,98 triệu USD, tăng 23,17% (xuất đi các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines). Xuất sang thị trường châu Âu đạt 80,34 triệu USD, tăng 22,38% cùng kỳ năm trước (xuất đi các nước như Anh, Italia, Đan Mạch, Bỉ, Đức, Hà Lan). Xuất sang thị trường châu Mỹ đạt 177,07 triệu USD, tăng 23,78% cùng kỳ năm trước (xuất đi các nước như Mỹ, Canada, Belizo).
Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như tôm thẻ chân trắng xuất đi Mỹ, Nhật, Đức, Anh. Mực tươi đông lạnh xuất đi Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ. Thủy sản khác các loại xuất đi Nhật Bản, Colombia, Mỹ, Đan Mạch. Các loại quặng xuất đi Trung Quốc. Các sản phẩm may mặc xuất đi Nhật Bản. Giày dép các loại xuất đi Mỹ, Hà Lan, Canada, Italia. Ủy thác xuất khẩu năm 2022 đạt 8,27 triệu USD, tăng 10,65% so với cùng kỳ năm 2021.
Cán cân giá trị kim ngạch giữa xuất khẩu và nhập khẩu vẫn chênh lệch lớn, nghiêng nặng về nhập khẩu. Tình hình nhập siêu vẫn đang duy trì từ nhiều năm qua. Năm 2022 giá trị nhập khẩu gần gấp 2 lần giá trị xuất khẩu. Cụ thể, nhập khẩu trong năm 2022 đạt 1.341,93 triệu USD (xuất khẩu 775,9 triệu USD). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất như hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy các loại, thức ăn gia súc... Tỷ trọng một số mặt hàng chủ yếu như: Hàng thủy sản chiếm 12,83% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu; nguyên liệu dệt may, da giày chiếm 12,32%; nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chiếm 71,14%.
Một số giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu năm 2023
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 được dự báo sẽ chưa hết khó khăn, trước tiên vẫn phụ thuộc tình hình, diễn biến của đại dịch Covid-19 ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để chủ động, Sở Công Thương cần sớm xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại 2023 của tỉnh, tập trung xúc tiến, quảng bá các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường tiềm năng khác để mở ra các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung trong chương trình xúc tiến thương mại của quốc gia và của tỉnh để thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá, khảo sát thị trường, kết nối giao thương với các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.
Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tư vấn và áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn vào sản xuất các sản phẩm xuất khẩu lợi thế từ chính sách khuyến công để nâng cao năng suất chất lượng và tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Tiếp tục triển khai Đề án phát triển các thị trường khu vực, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giúp doanh nghiệp kết nối với các hệ thống phân phối sản phẩm tại các thị trường trọng điểm đã định hướng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tình hình ký kết các hiệp định kinh tế - thương mại, các cơ hội, thách thức trong cam kết hội nhập giúp doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hiệp định thương mại tự do đối với các mặt hàng xuất khẩu. Thu thập thông tin về tình hình, nhu cầu thị trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại để phổ biến đến hiệp hội và các doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội nghị gặp mặt Tham tán Thương mại Việt Nam ở nước ngoài (tổ chức tại Việt Nam), làm việc với đối tác nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam để tìm hiểu về thông tin thị trường, cơ hội xuất nhập khẩu. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong việc tiếp xúc, đàm phán với các đối tác ở nước ngoài, ứng phó, xử lý các vấn đề liên quan đến rào cản thương mại cũng như các vướng mắc phát sinh trong quan hệ giao thương với nước ngoài.