Theo dõi trên

Xuất khẩu thuỷ sản khó phục hồi, dự báo cả năm 2023 chỉ đạt 8,6 tỷ USD

12/06/2023, 20:26

Dự báo ngành thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn. Thay vì cán đích như kỳ vọng, Vasep hạ mục tiêu xuất khẩu chỉ đạt 8,6 tỷ USD.

Thống kê của Vasep cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính; trong đó, Mỹ là thị trường giảm mạnh nhất, với hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm 2 con số.

screenshot_1686576519.png

Tôm là mặt hàng bị sụt giảm mạnh nhất, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 tỷ USD ; trong đó, tôm chân trắng chiếm 74% đạt khoảng 900 triệu USD, giảm 36%, tôm sú chiếm 15% đạt 180 triệu USD, giảm 29%. Xuất khẩu tôm hùm và các loài tôm biển khác chiếm 11% đạt 134 triệu USD, giảm 41%. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm từ 28 - 50%; trong đó, Mỹ và EU là 2 thị trường giảm sâu nhất, lần lượt 44% và 49%, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 25%.

Xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 841 triệu USD. Các thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ đều giảm mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ 5 tháng đầu năm nay cũng giảm 31% chỉ đạt 317 triệu USD; trong đó, cá ngừ loin, phile đông lạnh chiếm 52% với 165 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu chế biến (cá hộp và cá chế biến khác) chiếm 47% đạt khoảng 150 triệu USD, tăng nhẹ 7%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc có mức giảm nhẹ nhất cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 239 triệu USD.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep cho biết, từ cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu suy giảm và cho đến những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh ở tất cả các thị trường và tất cả các mặt hàng; trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm. Nửa đầu năm 2023, nhu cầu thị trường tiếp tục suy yếu, nguồn cung vượt cầu.

Với ngành tôm, giá tôm chân trắng trung bình xuất khẩu sang Mỹ từ đầu năm tới nay giảm hơn 7%, so với cùng kỳ năm ngoái, giá xuất khẩu giảm 15 - 20%. Dù giá giảm nhưng tại thị trường Mỹ, EU, tôm Việt Nam khó cạnh tranh được với tôm Ecuador và Ấn Độ, vì giá xuất khẩu vẫn cao hơn từ 1,5 - 2 USD/kg.

Thực trạng của cá tra hiện nay là lượng tồn kho lớn, tiêu thụ kém, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào hoặc chỉ nhập với giá thấp khiến cho giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm sâu. Thị trường Trung Quốc, mặc dù đã mở cửa sau COVID-19, giao thương dễ dàng hơn, nhưng nhu cầu của thị trường chưa hồi phục như dự đoán. Trung Quốc chủ yếu tăng nhập khẩu các mặt hàng hải sản và tôm nguyên liệu giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ để phục vụ cho ngành gia công, chế biến xuất khẩu của họ.

Cùng lúc đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước chưa có tín hiệu phục hồi mạnh vì sau một thời gian dài bị hạn chế bởi dịch COVID-19, nhiều người bị giảm hoặc mất thu nhập, do vậy vẫn hạn chế chi tiêu, kể cả với phân khúc hàng giá thấp.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep phân tích thêm, hai thị trường chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đã có sự sụt giảm mạnh nhất. Tại thị trường Mỹ, do ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản… đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản. Tương tự, nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc cũng hết sức ảm đạm.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc; khủng hoảng khí hậu diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới; tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới và gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực - thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III/2023, thay vì phục hồi từ như những nhận định trước đây. Khó khăn kéo dài, do đó chưa có cơ sở để chắc chắn mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD năm 2023 có đạt hay không và cũng khó để dự báo trước cho giai đoạn 2023 - 2024.

Là mặt hàng thiết yếu, thủy sản vẫn có nhu cầu nhất định ở các thị trường. Tuy nhiên, bối cảnh lạm phát cao đã khiến nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay đổi. Các sản phẩm thủy sản phân khúc giá cao đã và sẽ tiếp tục bị giảm nhu cầu trong ngắn hạn. Các mặt hàng giá phải chăng như cá khô, cá hộp, nước mắm, cá tra, chả cá có thể vẫn có cơ hội tốt hơn ở nhiều thị trường.

“Các doanh nghiệp vẫn hy vọng những tháng cuối năm tình hình xuất khẩu sẽ khả quan hơn, đơn hàng nhiều hơn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, ngay lúc này, ngành thủy sản và các doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ nguồn vốn và các nguồn lực khôi phục sản xuất, xuất khẩu khi thị trường có tín hiệu tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc đề xuất.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chống ô nhiễm nhựa: Không hành động, tới 2050 nhựa sẽ nhiều hơn cá
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, một trong những giải pháp để phát triển bền vững tài nguyên biển và hải đảo là áp dụng rộng rãi các giải pháp "chống ô nhiễm nhựa."
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu thuỷ sản khó phục hồi, dự báo cả năm 2023 chỉ đạt 8,6 tỷ USD