Theo dõi trên

Yếu tố quyết định phản ứng của Mỹ sau khi Nga tấn công Ukraine

13/03/2022, 08:04

Sau khi Nga tấn công Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ liên tục ban hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga. Những động thái này được đưa ra, một phần do sức ép của các nghị sỹ tại Quốc hội Mỹ.

Sức ép chưa từng có từ đảng Dân chủ và Cộng hòa

Ban đầu, Nhà Trắng chống lại lời kêu gọi của Quốc hội cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào Mỹ, nhưng sau đó họ đã công bố biện pháp này. Chính quyền cũng lưỡng lự trước dự luật hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga nhưng đến ngày 11/3 lại thông báo, Mỹ cùng với các nước G7 khác và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các bước để thu hồi quy chế tối huệ quốc với Nga, đồng thời công bố lệnh cấm vận đối với hải sản, rượu và kim cương của Nga.

Nhà Trắng ban đầu thuyết phục các thượng nghị sỹ dừng áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng sau đó lại tự ban hành những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Vậy điều gì đã tác động tới phản ứng của chính quyền Biden trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine?

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rob Portman của bang Ohio cho rằng: “Tất cả quyết định đó đều có một điểm chung. Trong mỗi trường hợp, chính quyền đều nói không”, cho đến khi các nhà lập pháp của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa gây áp lực buộc Nhà Trắng phải thay đổi hướng đi. “Và chính quyền đã thay đổi 180 độ”, ông Rob Portman cho biết.

Dường như đang có một mô hình mới nổi lên tại Mỹ khi chiến sự Ukraine leo thang: Đó là sự thống nhất chưa từng có của lưỡng đảng tại Quốc hội về chính sách đối ngoại, buộc Tổng thống Biden phải đưa ra phản ứng nhanh hơn và nhiều hơn trước cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Thay vì cạnh tranh vì mục đích chính trị, các nhà lập pháp của cả 2 phe đang thúc đẩy tổng thống hành động mạnh mẽ hơn để chặn đứng cuộc tấn công của Nga. Kết quả là sự thống nhất từ nhánh lập pháp đã tác động đến việc ra quyết định của nhánh hành pháp.

Thượng nghị sỹ Joni Ernst, bang Iowa cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến điều đó rất nhiều lần. Tổng thống Biden nói rằng ông không thể làm điều này, nhưng sau đó đã thay đổi hướng đi”.

Trừng phạt và vũ khí không phải “con át chủ bài”

Những động thái quyết liệt tại Quốc hội Mỹ trong những tuần gần đây dường như đối lập với Nhà Trắng. Không còn hình ảnh một Quốc hội mệt mỏi vì chiến tranh sau khi Mỹ rút khỏi quân khỏi Afghanistan, các nhà lập pháp Mỹ dường như thể hiện lập trường sẵn sàng can dự vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tổng thống Biden luôn khẳng định sẽ không có một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng ông phải thừa nhận rằng, ông đã nỗ lực rất nhiều để yêu cầu Quốc hội tạm hoãn các biện pháp trừng phạt, đặc biết là việc thu hồi quy chế thương mại mới đối với Nga cho đến khi ông “vận động tất cả các đồng minh quan trọng đưa ra một lập trường thống nhất”.

Ông Biden nhiều lần cảnh báo Mỹ không nên hành động một mình khi ứng phó với Nga, thay vào đó, cần phải tập hợp liên minh phương Tây, củng cố NATO để đưa ra hành động chung. “Theo quan điểm của tôi, sự đoàn kết giữa các đồng minh là điều cực kỳ quan trọng”, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.

Phát biểu tại cuộc họp thường niên của các thành viên Dân chủ tại Hạ viện, Tổng thống Biden nói rằng, đôi khi ông biết ông đã khiến họ thất vọng về phản ứng trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng điều quan trọng là phải gắn kết các đồng minh lại với nhau. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm, việc thuyết phục châu Âu ban hành lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga “sẽ phải mất thời gian dài” vì khu vực này phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Hiện Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung vào nỗ lực trừng phạt nền kinh tế Nga và trang bị vũ khí cho Ukraine. Song vẫn chưa rõ những biện pháp này có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine hay không. Không một ai biết ý định thực sự của Tổng thống Putin và cũng không có lý do gì để tin rằng việc thực hiện các biện pháp cứng rắn nhất sẽ làm lung lay quyết tâm của Tổng thống Putin khi thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt và viện trợ quân sự có thể làm chậm bước tiến của Nga tại Ukraine, nhưng phương Tây vẫn mơ hồ về cách thức chúng có thể khiến giao tranh kết thúc. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy, thiệt hại về kinh tế khiến Tổng thống Putin có ý định rút quân về nước.

Ông Jeff Rathke, một chuyên gia châu Âu tại Đại học Johns Hopkins nhận định: “Mỹ và châu Âu không thể làm gì nhiều hơn trừ khi Nga sẵn sàng đàm phán một cách nghiêm túc và thực tế. Phương Tây nên từ bỏ lập trường tự đứng ra đàm phán với Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine. Bởi việc chấm dứt xung đột còn phụ thuộc vào Kiev, vào những gì họ sẽ chấp nhận hoặc nhượng bộ”./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nga kiểm soát thêm các khu vực gần Mariupol, chậm đà tiến gần Kiev
Nga được cho là đã kiểm soát một số khu vực lân cận Mariupol và tiếp tục cố gắng bao vây thủ đô Kiev của Ukraine từ phía bắc và phía tây.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Yếu tố quyết định phản ứng của Mỹ sau khi Nga tấn công Ukraine