Theo dõi trên

Chuyện những người giữ rừng

12/06/2017, 09:30

BT- Trong một lần đi du lịch khám phá suối nước nóng Bưng Thị, dừng chân ở Trạm bảo vệ rừng Bưng Thị thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Hàm Thuận Nam chúng tôi mới có dịp hiểu kỹ hơn công việc của những người bảo vệ rừng ở dây.

                
Anh Huynh với máy thổi gió.

Nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 30 km, sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà  Cú, Bưng Thị là khu vực giáp ranh 3 xã Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành của huyện Hàm Thuận Nam, có cảnh quan thiên nhiên và hệ thực vật nhiệt đới đặc trưng. Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú có tổng diện tích là 10.503 ha; Hệ động, thực vật đa dạng, phong phú thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới (WWF, 2001). Đồng thời được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2003. Chính vì lẽ đó mà công tác bảo vệ vùng rừng này hết sức quan trọng. Xa khu dân cư nhưng lúc nào trong trạm cũng có 1 tổ thường xuyên trực. Ngôi nhà được xây kiên cố với chòi canh gác cách đó vài chục mét khá cao, để từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn khu vực để phòng chống cháy rừng. Nhìn lên không quen tôi đã thấy chóng mặt, vậy mà anh em ngày nào cũng phải leo lên, thậm chí vào mùa khô có lúc ở luôn trên đó để canh gác. Xuống cái bếp che phía sau nhà đun bằng củi khô nhặt về, xoong cơm vét còn trơ lại cháy, vài nắm lá rừng để dành nấu canh, mấy con cá khô trộn rau rừng.

Anh Trần Tuấn Dũng, Tổ trưởng ở đây cho biết: “Anh em phân công trực cả ngày lẫn đêm, 3 ngày được nghỉ bù một ngày. Đi ra chợ xa lắm, vòng đi vòng về hơn chục cây số nên 2 - 3 ngày mới đi 1 lần. Trong đây thì heo hút đâu có nhà dân, không một bóng người. Nước thì múc nước suối lên xài, đi tuần tra trong rừng thì phải đi bộ…”. Vùng này nguy cơ cháy rừng cao, mà chống cháy rừng thì cực lắm. Chưa kể những người vào rừng bẫy thú quý hiếm nên cũng phải tuần tra thường xuyên để ngăn chặn. Còn anh Thông Huynh ở thôn Hiệp Đức, Tân Thuận được giao khoán bảo vệ rừng ở đây cho biết thêm: “Mình nhận bảo vệ rừng 1 quý được thêm 2 triệu đồng, gắn bó cũng 14 năm rồi, xem rừng như nhà mình vậy, quen thuộc đến từng con đường gốc cây. Nhà cũng trồng thanh long dư sống nhưng vẫn thích vào rừng bảo vệ hơn”. Có lúc đi tuần trong rừng cả ngày, anh phải mang cơm theo ăn buổi trưa mới kịp đi từng  khu vực một. “Sợ nhất là cháy rừng thôi, nhiều người vô ý lắm, rừng mùa khô chỉ cần ném tàn thuốc xuống cỏ cũng dễ cháy”, nói rồi anh cầm cái máy thổi gió rất thuần thục mang vào người cho chúng tôi xem chữa cháy thế nào. Hơn 2.000 ha rừng do trạm bảo vệ mà tổ chỉ có mấy người cứ xoay vòng để tuần tra canh gác. Vất vả nhưng ai cũng gắn bó để gìn giữ khu bảo tồn thiên nhiên này. Mấy anh chỉ cho chúng tôi những cây sến, xay, tâm bột…có cả những cây dầu bị người ta đã phá lấy dầu đang liền da. Nếu không có những người giữ rừng như các anh có lẽ sẽ không còn những khu rừng xanh ngắt đã và đang hồi sinh, những cây cổ thụ hiếm hoi, những loài động vật quý hiếm… khi mà nạn “chảy máu rừng” đang diễn ra khắp nơi.

Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện
BTO-Chiều 10/5 tại TP. Phan Thiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải vừa chủ trì cuộc họp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam về tình hình cung cấp điện năm 2024 trên địa bàn Bình Thuận. Cùng dự họp có đại diện các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan của tỉnh và lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Công ty Điện lực Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện những người giữ rừng