Theo dõi trên

Lâm Hồng Long với bức ảnh để đời

26/04/2019, 11:02 - Lượt đọc: 462

BT- Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của Lâm Hồng Long gắn liền với sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, ngày 30/4/1975. Trong thắng lợi to lớn của dân tộc  là cuộc đoàn tụ của hàng triệu con người trên hai miền Nam Bắc sau 21 năm phân ly. Bức ảnh người mẹ miền Nam và người con trai từ ngục tù trở về với bàn tay khẳng khiu hằn lên bộ áo bà ba màu vải đen cơ cực nhưng rạng rỡ nỗi mừng vui của ngày hạnh ngộ.

Năm 1981, Lâm Hồng Long được nghỉ hưu nên thường về lại quê nhà La Gi - Hàm Tân. Nơi đại gia đình tộc họ Lâm của anh sinh sống từ những năm 30 thế kỷ trước, nhưng do hoàn cảnh nghề nghiệp của người cha là lương y Hai Cương mở tiệm thuốc bắc hiệu Liên Hoa (đường Gia Long cũ - Phan Thiết) và anh phải theo cha ra Phan Thiết học hành. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, anh nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những thanh niên chiến đấu, rồi bị tù đày. Sau đó tập kết ra Bắc và anh trở thành phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam… Anh có may mắn được tiếp cận các sự kiện chính trị lớn và theo chân Bác Hồ, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến nhiều nơi nên có được các khoảnh khắc thần kỳ để Lâm Hồng Long làm người chép sử bằng hình ảnh. Có được vị trí này, theo những ai từng gần gũi anh đều cảm nhận ở anh một nhân cách chân thật, khiêm nhường và tấm lòng nhân ái. Những bức ảnh để đời của Lâm Hồng Long không những theo yêu cầu thời sự, chính trị mà còn đậm nét giá trị nhân văn, giàu tính nghệ thuật.

Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” (có báo ghi “Mẹ con người tử tù”) xuất hiện trên báo chí trong nước và cả báo chí nước ngoài đều ghi nguồn của TTXVN, mãi đến sau này mới trả lại đúng tên tác giả. Theo anh kể lại xuất xứ bức ảnh này, đó là sau khi Sài Gòn vừa giải phóng, ngày 6/5/1975, cơ quan TTXVN tại Sài Gòn phân công anh ra Vũng Tàu để đón chuyến tàu chở các chiến sĩ bị án tử tù từ Côn Đảo trở về. Anh rất đỗi vui mừng vì nghĩ sẽ gặp người em gái con ông chú ruột là Lâm Hồng Nhạn có thể về chung chuyến tàu này. Trên đường đi, xe bị hỏng nên khi đến điểm đón tiếp Rạch Dừa đã trễ, gần như không còn mấy ai là người thân đến đón đợi nữa. Anh Lâm Hồng Long nhớ lại, đang lúc tiếc rẻ thì xuất hiện một mẹ già vai khoác chiếc khăn rằn Nam bộ, tay xách giỏ lác chạy hớt hãi từ cổng trại vào, cùng lúc này có một cựu tù mặc bộ bà ba đen ào ra, chỉ sau giây phút ngỡ ngàng là ôm chầm lấy nhau và khóc ngất. Anh nghe tiếng nói trong nước mắt “Con đây má ơi! Con còn sống đây!...”.  Vậy là Lâm Hồng Long với chiếc máy hiệu RolleiFlex, liên tục bấm 8 kiểu ảnh và tự dưng đôi dòng nước mắt tuôn chảy ra trên má mình. Bức ảnh này nhanh chóng được truyền đi khắp nơi, như một biểu tượng thiêng liêng về sự đoàn tụ, tình mẫu tử sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Năm 1996, Lâm Hồng Long được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên về văn học nghệ thuật với bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” và “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn”. Đến khi đoàn làm phim truyền hình VTV3 dựng phim “Khoảnh khắc và lịch sử” về nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, ghi lại hình ảnh nơi anh sinh ra ở La Gi (Bình Thuận) và tiếp đến là Bến Tre, quê hương của hai nhân vật trong bức ảnh đẹp như một tượng đài, là cựu tử tù Lê Văn Thức - cán bộ tình báo cách mạng dưới lớp áo sĩ quan VNCH bị lộ và mẹ Trần Thị Bính đang tuổi 90. Đây cũng là lần đầu tiên anh Thức mới gặp mặt tác giả chụp bức ảnh quý giá này mà lâu nay anh chỉ biết ở tờ báo Nhân Dân được cất giữ. Được biết, những thước phim quay về Lâm Hồng Long được giải vàng liên hoan phim truyền hình toàn quốc 1997. Cũng bức ảnh này anh được trao giải thưởng của AFIAP tại Madrid (Tây Ban Nha)… Anh Lâm Hồng Long, người con của mảnh đất La Gi, Bình Thuận đã vĩnh biệt những người thân yêu của gia đình, bạn bè vào năm 1997, thọ 72 tuổi.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lâm Hồng Long với bức ảnh để đời