Theo dõi trên

180 ngày cao điểm quyết liệt chống khai thác IUU

01/03/2023, 05:18

Theo kế hoạch, tháng 6 này, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây được xem là cơ hội cuối cùng để Việt Nam thể hiện kết quả của mình trong việc thực hiện những khuyến nghị của EC. Cùng với cả nước, Bình Thuận đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung cao điểm 180 ngày chống khai thác IUU, quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC vào cuối năm nay.

Phải chấm dứt khai thác hải sản bất hợp pháp

Là một trong những địa phương có đội tàu khai thác hải sản nhiều nhất cả nước với 5.700 tàu cá, khoảng 46.000 ngư dân, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên hoạt động vùng khơi là 1.946 chiếc. Tỷ lệ tàu trên 15 mét lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đến nay đã đạt 99,4%. Công tác cấp xác nhận, chứng nhận thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc đúng quy định. Bên cạnh đó, việc đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên, trong năm 2022, đã thực hiện đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật 3.416 tàu/3.896 tàu đăng ký (đạt 87,7%). Mặc dù triển khai nhiều giải pháp, nhưng trong năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện 3 vụ/4 tàu cá/24 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Ngoài ra, tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Philippines xảy ra 1 vụ/1 xuồng máy/4 ngư dân bị lực lượng chức năng Philippines bắt giữ. Đặc biệt, đầu năm 2023, Bình Thuận lại xảy ra 1 vụ tàu cá đánh bắt vùng biển nước ngoài, các vụ việc đang được ngành chức năng khẩn trương điều tra, xác minh. Có thể thấy, một trong những lý do chính nước ta chưa gỡ được “thẻ vàng” là do tình trạng khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra. Như tỉnh Kiên Giang, trong năm 2022 toàn tỉnh có đến 11 vụ/17 tàu/154 ngư dân bị bắt. Mới 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh này lại có thêm 6 vụ/6 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, luôn là tỉnh đứng đầu cả nước về vi phạm IUU.

img_0296.jpg
Công tác quản lý nhóm tàu cá hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh đang bộc lộ nhiều hạn chế

Tại hội nghị trực tuyến công bố “Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4” theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023, nhiều tỉnh, thành ven biển thừa nhận chưa thể chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, mặc dù lãnh đạo địa phương đã có những chỉ đạo sát sao và tăng cường phối hợp trong việc quản lý đội tàu. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nêu khó khăn, khi Bộ Ngoại giao thông báo có tàu bị bắt khi khai thác ở vùng biển nước ngoài, thì địa phương phải điều tra xử lý, thu thập bằng chứng nhưng phía nước bạn không cung cấp. Nếu có, thì không có bản gốc, nên khi ra tòa sẽ rất khó để xử phạt hành chính. Trong 51 tàu vi phạm thì đến thời điểm này, tỉnh chỉ tịch thu được duy nhất 1 tàu. Hay tỉnh Bến Tre thẳng thắn cho biết, hiện nay, một trong những lý do dẫn đến việc vẫn còn nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là do vùng biển gần bờ Việt Nam đã hết cá, sản lượng, chất lượng đều thấp. Do vậy, tỉnh Bến Tre rất ủng hộ chủ trương cắt giảm số lượng tàu cá trong thời gian tới.

img_0256.jpg
Nếu chưa lắp thiết bị VMS, tuyệt đối không cho tàu cá ra khơi

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận – Nguyễn Văn Chiến cũng thông tin, qua rà soát, hầu hết các vụ tàu cá trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài đều thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh. Do đó, công tác quản lý nhóm tàu cá này đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ ở cả hai đầu nơi đi và nơi đến. Vì vậy, Bình Thuận đã kiến nghị giữa các địa phương ven biển cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, Bình Thuận đảm bảo đến tháng 4/2023 sẽ hoàn thành việc rà soát, cấp phép khai thác cho các đội tàu. Đồng thời, sẽ đốc thúc lắp đặt thiết bị VMS cho khoảng 10 tàu cá còn lại nhằm tăng cường kiểm soát tàu cá và phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc hải sản.

180 ngày cao điểm

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: “Thẻ vàng” ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản. Trước đây, khi xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, thủ tục chỉ mất 1 - 3 ngày, bây giờ 2 - 3 tuần. Không những thế, còn ảnh hưởng đến vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu không gỡ được “thẻ vàng” sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, ảnh hưởng đến ngành thủy sản, vị thế của đất nước. Do đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Quyết định số 81/QĐ-TTg thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, tháo gỡ “thẻ vàng” khi EC tiến hành thanh tra lần thứ 4 vào tháng 6/2023 tới”.

vlcsnap-2023-02-25-18h43m14s078.png
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (ảnh: internet)

Sau 5 năm bị “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, Việt Nam đã nỗ lực tháo gỡ những khuyến nghị của EC. Dù vậy, sản lượng hải sản giám sát, truy xuất còn thấp. Vẫn còn tình trạng ngư dân chưa tuân thủ việc ghi nhật ký hoặc ghi đối phó, không duy trì hoạt động của thiết bị VMS, tàu cá vẫn vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe, thiếu đồng bộ giữa các địa phương, tàu cá vi phạm chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Những việc này tồn tại nhiều năm nay, đòi hỏi các địa phương phải quyết liệt tháo gỡ. Đó cũng là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh đặt ra để tăng cường công tác chống khai thác IUU trong năm 2023. UBND tỉnh xác định rõ nhiệm vụ trước mắt và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương về chống khai thác IUU, là khắc phục các khuyến nghị của EC, đặc biệt từ nay đến hết tháng 5/2023, phải chấm dứt tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài. Có như vậy, mới góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.



MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” EC
Đến tháng 10 này là 5 năm từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, cùng với cả nước, Bình Thuận đã triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
180 ngày cao điểm quyết liệt chống khai thác IUU