Theo đó, quyết định đặt ra mục tiêu triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023. Đồng thời, thống nhất nhận thức, hành động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai đến tháng 5/2023. Trong đó, thực hiện chiến dịch thông tin truyền thông cả trong nước và trên diễn đàn quốc tế đảm bảo minh bạch, trung thực về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam. Đa dạng các hình thức tuyên truyền; tập huấn, phổ biến cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, Thủ tướng Chính phủ đề nghị rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý...
Phát biểu tại hội nghị, đại diện tỉnh Bình Định cho biết, ngay sau khi nhận khuyết điểm trước Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU về việc để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, lãnh đạo địa phương đã có những chỉ thị, chỉ đạo sát sao và tăng cường phối hợp với các địa phương lân cận trong việc quản lý đội tàu. Đến tháng 5/2023, sẽ cam kết chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm.
Đại diện tỉnh Bình Thuận đã thông tin về việc đầu năm 2023 lại có 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Địa phương đã chỉ đạo các đơn vị rà soát việc cấp phép khai thác cho các đội tàu, đảm bảo đến tháng 4/2023 hoàn thành nhiệm vụ này. Đồng thời, sẽ đốc thúc lắp đặt thiết bị VMS cho các tàu cá còn lại nhằm tăng cường kiểm soát tàu cá và phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc hải sản. Đại diện của tỉnh Bình Thuận kiến nghị giữa các địa phương ven biển cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển.
Kết luận chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Quyết định số 81 thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, tháo gỡ “thẻ vàng” khi EC tiến hành thanh tra lần thứ 4 vào tháng 6/2023 tới. Việc tháo gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ rất quan trọng, trước mắt, khẳng định vị thế của một đối tác tin cậy, có trách nhiệm và uy tín trên thị trường quốc tế. Ông Phùng Đức Tiến cho biết, qua thanh tra, EC đưa ra 4 nội dung quan trọng mà Việt Nam cần phải đáp ứng gồm: Khung pháp lý; quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc, quản lý cả sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm đánh bắt trên biển; việc thực thi pháp luật chưa đồng đều, chưa hiệu lực hiệu quả.
Về phía Bộ NN&PTNT sẽ luôn sát cánh cùng với các địa phương, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cùng tháo gỡ, thực hiện kế hoạch 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU. Về phía các địa phương cần tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đạt được kết quả cao nhất, đặc biệt khi đoàn thanh tra EC sang làm việc với Việt Nam sắp tới. Với sự quyết tâm cao, Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng Việt Nam sẽ gỡ được “thẻ vàng” trong năm 2023.