Theo dõi trên

Dồn sức thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU

08/12/2022, 05:15

Theo kế hoạch, tháng 4/2023 đoàn thanh tra EC sẽ có đợt tái kiểm tra lần 4 tại Việt Nam. Nếu không khắc phục tốt những khuyến nghị của EC, Ủy ban châu Âu buộc phải áp dụng hình thức nặng hơn đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Do đó, không riêng gì Bình Thuận, mà 28 địa phương ven biển phải dồn lực thực hiện một cách có hiệu quả khắc phục những nhược điểm khai thác vi phạm các quy định của EC, cùng nhau gỡ “thẻ vàng” IUU.

Quyết liệt nhiều giải pháp

Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, kể từ ngày 23/10/2017, khi EC cảnh báo “Thẻ vàng” với IUU, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã vào cuộc, nỗ lực khắc phục. Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản 2017, Chính phủ ban hành 2 nghị định, Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành 8 thông tư hướng dẫn để thực hiện. Đến thời điểm này, về cơ sở pháp lý, các văn bản và công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến các địa phương đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Tại Bình Thuận, cũng đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, bố trí nguồn lực tại cảng cá, tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn trong công tác quản lý tàu cá hoạt động trên biển, phòng chống khai thác IUU... Đến nay, tỷ lệ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt VMS đạt trên 98%. Đối với 33 tàu chưa lắp đặt VMS đều được lập danh sách, địa chỉ chủ tàu, nêu rõ tình trạng từng tàu, nơi đang neo đậu... đảm bảo quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư trang thiết bị, hình thành Trung tâm Giám sát tàu cá đặt tại Chi cục Thủy sản và các trạm dữ liệu đặt tại Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá ở các cảng cá và các Đồn Biên phòng vùng biển; thành lập Tổ Giám sát tàu cá (thuộc Chi cục Thủy sản) trực ban 24/7 để quản lý, vận hành hệ thống giám sát tàu cá tỉnh, xử lý thông tin, dữ liệu theo quy định.

62526474_320213892206945_4533862323420397568_n.jpg
58443902_293894211503154_1347280860788817920_n.jpg
Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT tại Bình Thuận tháng 9/2019.

Qua theo dõi, trực ban đã phát hiện và thực hiện thông báo đến các ngành, địa phương đối với 179 trường hợp tàu cá của tỉnh mất kết nối 10 ngày trên biển (năm 2021 là 62 trường hợp, năm 2022 có 117 trường hợp). Chi cục Thủy sản đã gửi thông báo đến các cơ quan, địa phương để xử lý theo đúng quy định. Đối với tàu cá vượt ranh giới, trực ban chủ động thông báo ngay cho chủ tàu, thuyền trưởng yêu cầu tàu cá quay trở lại ranh giới cho phép trên biển. Trường hợp không liên lạc được hoặc tàu cá cố tình vi phạm, Tổ trực ban thông báo các cơ quan tại địa phương (Kiểm ngư, Biên phòng, chính quyền địa phương) đến từng nhà chủ tàu làm việc và yêu cầu người nhà bằng mọi cách liên lạc với thuyền trưởng đưa tàu quay lại ranh giới cho phép hoạt động. Qua xác minh, các trường hợp vượt ranh giới trên biển không phải do lỗi cố ý, đồng thời, các thuyền trưởng đã cho tàu quay trở lại kịp thời vùng biển Việt Nam, nên các cơ quan chức năng chỉ lập biên bản nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu thuyền trưởng không được tái phạm.

trung-tam-giam-sat-tau-ca-anh-nl-6-.jpg
Trung tâm giám sát tàu cá đặt tại Chi cục Thủy sản.
trung-tam-giam-sat-tau-ca-anh-nl-3-.jpg
Hệ thống giám sát tàu cá

Ngoài ra, hoạt động kiểm tra, giám sát tàu cá ra, vào cảng bốc dỡ sản phẩm, giám sát sản lượng lên bến của cảng cá có nhiều tiến bộ, kết quả thực hiện năm sau cao hơn năm trước. 11 tháng đầu năm 2022, tàu cá ra, vào cảng thông báo trước 1 giờ đạt tỷ lệ 85%; giám sát 4.951 lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ thủy sản/18.112 tấn hải sản; thu 3.843 sổ nhật ký khai thác (đạt tỷ lệ 77,6%). Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt 100% theo quy định; nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế, chưa chấp hành nghiêm túc việc thông báo trước 1 giờ khi tàu vào, rời cảng, chưa tự giác ghi nộp nhật ký khai thác...

img_8781.jpg
Tính toán đến việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân.

180 ngày hành động

Tại cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành ven biển mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, trực tiếp là Bộ Nông nghiệp & PTNT phải tập hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, xây dựng một chương trình hành động mang tính pháp lý cao để nhanh chóng giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Trước mắt, tập trung cho kế hoạch 180 ngày hành động tới đây, trước khi EU tái kiểm tra. Trong đó, phải làm rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, người dân phải làm cái gì. Thủ tướng yêu cầu, các ngành, địa phương có liên quan phải phối hợp chặt chẽ, tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số quy định để tăng cường hiệu lực hiệu quả chống khai thác IUU. Xem xét đưa các tàu cá dưới 15m vào diện phải giám sát hành trình. Về lâu dài, cần đánh giá lại các vùng biển, các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ; tính toán đến việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân. Đặc biệt, tổ chức theo dõi, lập danh sách địa phương có tàu cá, chủ tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS và các thủ tục có liên quan khác có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định “việc thực hiện các cam kết về chống IUU không phải là để đối phó với EC, mà chính là đảm bảo lợi ích chính đáng cho người dân, cho quốc gia, nâng cao hình ảnh của đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, trong đó có bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển”.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đồn Biên phòng Phước Lộc: Quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU
Đầu tháng 1/2022, thị xã xảy ra 2 tàu/13 ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển Malaysia bị bắt giữ. Điều này đã ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả tỉnh Bình Thuận trong công tác chống khai thác IUU.
Nổi bật
Phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024
Chiều 18/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh diễn ra phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Tham dự có bà Bố Thị Xuân Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh dự; ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và 250 đại biểu chính thức.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dồn sức thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU