Theo dõi trên

Thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU: Không phải là đối phó với EC

02/12/2022, 14:31

BTO-Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào chiều ngày 1/12/2022. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An; Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Sau 5 năm Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động IUU, các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tích cực để chống khai thác IUU. Đến nay khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU. Đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt trên 95%, tăng 5% so với năm 2021.

Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy hải sản từ khai thác đã được tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng cơ bản đáp ứng yêu cầu. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương. Theo Bộ NN&PTNT, trên cơ sở quá trình thực hiện và kết quả thanh tra của Đoàn EC lần thứ 3 tại Việt Nam vào tháng 10/2022 cho thấy, tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực so với lần thanh tra thực tế (lần thứ 2) vào năm 2019. Đoàn Thanh tra của EC cũng ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

img_8447.jpg
Hội nghị trực tuyến về chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh vẫn còn để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị chức năng đã xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm hành chính liên quan khai thác thủy sản với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng. Một số tỉnh xử phạt vi phạm hành chính tương đối nghiêm như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận…

Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế so với các vụ việc vi phạm. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ, tỉ lệ giám sát sản lượng lên bến còn thấp. Việc ghi, nộp và chất lượng nhật ký khai thác chưa đạt yêu cầu…

da-so-tau-ca-o-la-gi-duoc-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-anh-nl-2-.jpg
Vẫn còn tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài (ảnh: N Lân)

Tại Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh có 1.913/1.946 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 98,3%. Tàu cá ra, vào cảng thông báo trước 1 giờ đạt tỷ lệ 85%; giám sát 4.951 lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ thủy sản/18.112 tấn hải sản; thu 3.843 sổ nhật ký khai thác (đạt tỷ lệ 77,6%)... Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư trang thiết bị, hình thành Trung tâm giám sát tàu cá đặt tại Chi cục Thủy sản và các trạm dữ liệu đặt tại Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá ở các cảng cá và các Đồn Biên phòng vùng biển; thành lập Tổ Giám sát tàu cá (thuộc Chi cục Thủy sản) trực ban 24/7 để quản lý, vận hành hệ thống giám sát tàu cá tỉnh...

ttg.jpg
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù công tác chống khai thác IUU có tiến bộ, có cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu. Theo kế hoạch, tháng 4/2023 Đoàn thanh tra thuộc EC sẽ sang thanh tra thực tế lần thứ 4 về tình hình chống khai thác IUU. Do đó, Thủ tướng cho rằng, phải nhận thức việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU không phải là đối phó với EC, mà trên hết là đảm bảo lợi ích cho người dân, cho quốc gia; thực hiện cam kết quốc tế và là thành viên có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường biển, bảo vệ hệ sinh thái biển. Vì thế, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, người dân cũng phải tham gia tích cực.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương rà soát tổng thể về các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chống IUU, điều chỉnh các quy định phù hợp với tình hình. Rà soát lại lực lượng lao động khai thác thủy hải sản, phân loại đối tượng, tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, giảm lực lượng khai thác hải sản. “Cán bộ phải lăn lộn với cơ sở; tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống với dân và nếu tỉnh, huyện xuống với dân thì càng tốt; lo cuộc sống của người dân như cuộc sống của mình thì mới giải quyết được”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, cơ cấu lại các khoản vay của ngư dân để xử lý; tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi IUU, nếu vi phạm pháp luật hình sự phải cương quyết xử lý.

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đồn Biên phòng Phước Lộc: Quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU
Đầu tháng 1/2022, thị xã xảy ra 2 tàu/13 ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển Malaysia bị bắt giữ. Điều này đã ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả tỉnh Bình Thuận trong công tác chống khai thác IUU.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU: Không phải là đối phó với EC