Theo dõi trên

Anh em một nhà…

27/05/2022, 06:00

Mấy bữa nay chị ăn không ngon ngủ không yên, lời chồng cứ văng vẳng bên tai: Con thì con chung mà sao đứa ghét đứa thương? Biết giải thích sao cho anh hiểu khi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Ông bà ngoại đã già rồi, chuyện trong nhà xào xáo đâu hay ho gì mà nói cho người khác, kể cả chồng mình. Chị nghiệm ra điều đó sau khi kể chuyện trong nhà cho chồng nghe để rồi anh buông một câu cắt cứa lòng: Thương thì thương cho đồng, cho thì cho đều, đứa cho đứa không là sao, con chung mà chớ có đứa nào con riêng đâu mà phân biệt vậy.

bua-com-gia-dinh-feature.png
Ảnh minh họa.

Ừ thì con chung nhưng làm sao mà thương cho đều được. Như chị có hai đứa con thì cũng thiên vị tí chút cho con út. Bởi vậy khi nghe ông bà bán đất cho thằng út chút ít lấy vốn làm ăn chị chỉ nghĩ thì em nó chăm cha mẹ, em nó làm ăn được thì cha mẹ được nhờ chứ có gì đâu. Mình con gái lại lấy chồng xa sao dám đòi hỏi phải đồng đều với em nó phải chăm ăn uống, ốm đau bệnh tật cho cha mẹ được. Nhưng mấy anh em còn lại thì không nghĩ như chị. Cha mẹ ốm đau ai cũng góp công chăm, góp tiền lo, giờ bán đất lại cho mỗi mình thằng út là sao. Vậy là người một suy nghĩ, ai cũng chăm chăm lo lợi ích riêng mình. Chị nghe mà buồn lòng đem kể với chồng, tưởng chồng đồng cảm ai dè chồng cũng “lên án” hai ông bà. Mỗi lần say anh lại đem chuyện bên ngoại ra nói bóng gió khiến chị không ít lần khóc thầm cả đêm tự trách mình sao lại đem chuyện trong nhà kể cho “người ngoài” chi.

Nhớ thời ấu thơ mấy anh chị em sống thuận hòa, chia nhau từng trái bắp, củ khoai tuy sống thiếu thốn mà lúc nào cũng vang tiếng cười. Lớn lên một xíu, người đi làm đi học xa nhà, tính cách mỗi người mỗi khác. Đứa thì tằn tiện từng chút, ăn mì gói chứ không dám gọi điện xin tiền cha mẹ bởi biết cha mẹ khó khăn phải chạy ngược xuôi lo cho đám con ăn học. Đứa lại hơi chút gọi xin chút ít đóng học phí, đi học thêm, mua laptop. Có lần chị hai so bì, thời tao đi học làm gì có laptop phải đi mượn ké người ta học, ra trường cày không thấy mặt trời đi làm cũng phải đi ké bạn làm gì có xe máy, tụi mày sướng, laptop xe máy đều có đủ. Thằng út cãi bà đi học chỉ có ăn với học sướng thí mồ, còn tụi tui vừa học vừa phụ ba mẹ làm, mà ai đời chị hai lại đi ganh với em út, chớ nhà người ta chị ra trường làm nuôi em ăn học thì sao. Có nhiêu đó mà chẳng ai chịu nhường ai, mẹ phải đứng ra rầy la mới im được. Sau này có lần gọi điện cho chị, mẹ biểu thấy tụi bây về mẹ mừng mà nghe tụi bây ganh nhau sao mà buồn quá, chớ mấy đứa không thuận hòa để cho cha mẹ mừng được sao?

Thuận hòa, nghe thì đơn giản mà làm được khó thay!

Từ hồi trước tết tới giờ chị thôi gọi video cho con Tư, nghe chị hai kể bữa giờ hai vợ chồng nó nghỉ công ty chuyển qua môi giới bất động sản, tiền bạc rủng rỉnh ghê lắm. Chị chỉ cười trừ. Ừ, em nó làm ăn được thì mừng cho nó chứ có sao đâu, vậy mà vẫn chạnh lòng buồn khi nhớ lại cuộc điện thoại cuối cùng của hai chị em. Lần đó chị cãi nhau với nó, bởi nó bảo bà nghĩ sao đi cả năm biền biệt tết về cho cha mẹ được mấy đồng bạc lẻ, rồi nó kể lể hàng tháng cho cha mẹ bao nhiêu, mua sắm những gì cho ông bà ngoại. Chị đứng hình, không ngờ em mình giờ thay đổi dữ vậy, nói chuyện với chị mà khinh khi cứ như người dưng. Kể từ đó chị thôi không gọi cho nó nữa, khi nào nghe nhà em có bệnh đau mới gọi hỏi thăm cho có. Bữa nghe chị hai gọi điện kể ông bà ngoại cho nó mượn sổ đất vay ngân hàng lấy vốn buôn bán đất đai. Ờ, thì tài sản của ông bà muốn cho ai mượn thì cho chứ phận làm con ý kiến gì đâu. Chị hai giãy nãy: mày nói sao nghe đơn giản quá, rồi tới hồi nó không trả ngân hàng đòi ai, tới lúc đó hai ông bà già lại còng lưng trả nợ cho vợ chồng nó ha? Chị hai kể một lô một lốc những chuyện y như vậy của nhà ông A bà B, nghe lời con cái cắm sổ mượn ngân hàng cuối cùng lại è lưng trả nợ thay con. “Ăn rồi cứ nghiên cứu bòn rút cha mẹ, vậy mà có cho ba mẹ chút tiền là kể lể đủ hết, coi anh em không ra gì, thứ em út đó tao thà từ chứ không chị em gì với nó hết”, chị hai kết luận, chị nghe buồn rơi rớt trong tim.

Trưa chủ nhật nằm võng tìm giấc ngủ, chợt nghe nhà hàng xóm ai đó hát karaoke bản “Thua một người dưng” nghe buồn thiệt buồn: “anh em một nhà, chung một dòng máu, ganh nhau đủ điều rào trước đón sau, nào ai ơi, hãy nhớ lấy câu anh em như bát nước đầy, gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau”. Nước mắt chị tự dưng rơi, thầm hỏi đến bao giờ mấy chị em lại được như hồi đó, chia nhau cây mía sau vườn, chị hai róc vỏ chẻ nhỏ cho đám em ăn khỏi đau răng…

TRÚC PHAN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dự thảo 52 thông số quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt
BTO-Chiều 25/5, Sở Y tế Bình Thuận tổ chức hội nghị góp ý xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCKTĐP) về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tỉnh Bình Thuận.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh em một nhà…