Theo dõi trên

Áp lực “con người ta”

29/07/2022, 06:11

- Trời ơi, sao con gái mà làm biếng quá vậy? Nhìn em Na kìa, chiều nào cũng quét dọn lau nhà sạch trơn hà. Con người ta phát ham, con nhà này phát bực.

Đó là những lời tôi đã nói với cô con gái lớn của mình trong một lần tức giận vì con không chịu làm việc nhà. Khi cơn nóng giận đã qua, tôi giật mình thấy những gì mình đã nói không đúng ất giáp nào hết và có phần hối hận. Hơn ai hết tôi hiểu việc so sánh con với đứa trẻ khác là cách phụ huynh thể hiện sự kỳ vọng vào con cái, có điều nói như vậy sẽ làm tổn thương lòng tự ái của con. Tôi hiểu vì tôi đã trải qua cảm giác ấy, đã từng giận mẹ rất nhiều và đã từng dặn mình phải cố gắng học hành, cố gắng làm việc nhà chỉ để mong được một lần mẹ khen. Nhưng không, mẹ chưa bao giờ khen tôi, kể cả khi tôi đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, hay cả khi tôi đậu đại học dù không tốn xu nào đi luyện thi. Khi đó tôi cay đắng nhận ra trong mắt mẹ chỉ có “con người ta”…

screenshot_1659050197.png
Ảnh minh họa. IT

Ngay cả bây giờ khi tôi đã có gia đình, lâu lâu về thăm nhà, trong cuộc chuyện phiếm, mẹ vẫn thường hay kể con A nhà bà B học đều cùng mày giờ làm ngân hàng giàu lắm hay thằng Th nhà chú H học tệ hơn mày chỉ đậu trung cấp y thôi mà giờ bán thuốc tây giàu kinh khủng...Tôi lặng im không cắt lời mẹ, cũng không còn giận mẹ nữa. Vì tôi hiểu tính mẹ vậy, mẹ kể như thể một thói quen, một phong cách nói chuyện trong đó ít khi nào đề cập đến gia đình mình, mà có đề cập cũng chỉ toàn chỉ trích những mặt không tốt. Vả lại tôi đã trưởng thành, ít chấp nhất, những chuyện không quan trọng thì thường cho qua không soi xét giận hờn từng chữ từng câu như hồi còn trẻ nữa.

Đôi khi tôi cũng ngạc nhiên vì sự thay đổi tính cách của bản thân so với thời còn trẻ. Hồi xưa hay bốc đồng, để ý, giận hờn giờ lại trái ngược hoàn toàn, cái gì nhịn được thì nhịn, cho qua được thì cho qua, không quan trọng thì quên ngay. Có lẽ những va vấp trong cuộc sống đã khiến tôi thay đổi quan niệm sống khá nhiều. Nhưng độ tuổi mới lớn thì chưa có được cái nhìn như vậy, rất dễ tổn thương khi nghe những lời hàm ý chê bai, so sánh. Cứ nhìn con gái tôi khắc rõ. Sắp đến tuổi dậy thì nên tính tình ngang bướng vô cùng, hay cãi lại cha mẹ, hơi động tí là giận dỗi đóng cửa phòng ngồi lì trong đó. Hai vợ chồng cũng đau đầu với con bé.

Chồng hay dặn dò “em là mẹ phải theo dõi, coi ngó con cái, tuổi này tụi nhỏ khó bảo lắm”, nghe mà áp lực. Tôi đem vận dụng kinh nghiệm trải qua thời dậy thì hồi trước của mình để áp dụng vào việc hiểu và dạy con gái. Tôi biết con bé hay cãi lời cha mẹ chỉ vì muốn khẳng định cái tôi của mình. Tôi ít dám chê con, hạn chế thấp nhất việc so sánh con với những đứa trẻ khác vì biết làm như thế dù không hề có ý gì nhưng sẽ khiến con tổn thương, tự ti, mặc cảm với bản thân mình. Dẫu vậy đôi khi trong cơn nóng giận cũng dăm lần thốt ra những câu so sánh, chê bai con. Tôi biết mình sai nên cố làm lành và kết thân với con bé. Chỉ có làm bạn với con mới là cách tốt nhất để nắm bắt từng sự thay đổi trong cách suy nghĩ của con để kịp thời uốn nắn.

Có lần con đi thi học sinh giỏi Lê Quý Đôn về nằm khóc tức tưởi, hỏi ra mới biết do làm bài không được. Tôi chỉ cười bảo “có gì đâu phải khóc, thi học sinh giỏi làm không được là chuyện thường, mình giỏi ắt có người khác giỏi hơn. Mẹ ủng hộ con đi học ôn thi học sinh giỏi chỉ là muốn con va chạm cho biết chứ có giải hay không đâu quan trọng, quan trọng là mình đã cố gắng hết khả năng của mình”. Nghe tôi nói vậy con bé tròn mắt ngạc nhiên. Tôi hiểu con đang nghĩ rằng lẽ ra mẹ phải mắng ghê lắm vì không làm được bài nhưng đằng này lại nói hoàn toàn ngược lại. “Vậy sao đi thi trên trường không làm được bài mẹ lại la con?”. “Trên trường là những kiến thức ở mức bình thường, thầy cô ôn đi ôn lại nhiều lần mà con còn không nắm được thì phải la là đúng rồi, còn thi học sinh giỏi là kiến thức nâng cao, khả năng mình đến đâu thì làm đến đó, không làm được thì chấp nhận mình chưa giỏi chứ có gì đâu mà phải la”. Nghe vậy con hết khóc, chịu ra ăn cơm. Còn tôi cũng tự rút ra được bài học trong cách dạy con là phải hết sức bình tĩnh, tìm ra cách nói phù hợp để con hiểu vấn đề chứ không phải cứ đụng cái là la mắng, so sánh với con người ta. Làm như vậy vô tình tạo áp lực vô hình đè nặng lên vai khiến con luôn rụt rè, nhút nhát ngại giao tiếp.

Ai cũng đã từng làm con trước khi làm mẹ nên dĩ nhiên ít nhiều cũng hiểu được phần nào tâm lý tuổi dậy thì. Có điều mỗi thời đại mỗi khác, điều kiện sống phát triển kéo theo môi trường sống thay đổi, giờ trẻ con dậy thì sớm hơn và bị tác động bởi nhiều yếu tố từ môi trường hơn. Hơn nữa mỗi đứa trẻ là một tiểu vũ trụ, tính cách hoàn toàn khác nhau, chỉ có thể hiểu và chấp nhận tính cách của con thì mới có cách khuyên bảo con phù hợp được. Cha mẹ nào cũng đặt nhiều kỳ vọng vào con mong con thành đạt, dù vậy tôi nghĩ thích hợp hơn hết là nên kỳ vọng vừa đủ với khả năng của con mình, như vậy vừa không tạo áp lực cho con vừa không tự tạo áp lực cho chính bản thân cha mẹ.

NGÂN KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan

Bình Thuận có 4 ca tử vong do sốt xuất huyết
BTO-Sáng 28/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bình Thuận ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực “con người ta”