Theo dõi trên

Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Gìn giữ di sản phi vật thể cho muôn đời sau. Bài 1

11/09/2023, 08:53

BTO-Di sản văn hóa phải “sống” đúng nghĩa trong cộng đồng dân cư tại chỗ là một yếu tố thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để phát triển bền vững. Với tình yêu và trách nhiệm của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản, các cấp chính quyền, cũng như bản thân mỗi làng nghề ở Bình Thuận đang nỗ lực trong việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Bài 1: Gắn kết di sản và cộng đồng

Khởi nguồn từ tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh” của bản Đề cương Văn hóa năm 1943, Đảng ta đã hình thành quan điểm: phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa ấy…

Những bàn tay “di sản”

Sàng lọc cát mịn, nhồi nặn đất sét, cát và nước với tỷ lệ thích hợp bằng kinh nghiệm của đôi bàn tay. Rồi cũng chính đôi tay dính đầy bùn cầm từng nắm đất sét nắn nót tạo hình khối. Hết công đoạn này lại quay sang dùng vòng quơ để cạo, chà láng xóa đi những vết lồi, lõm của sản phẩm khác từ bên trong lẫn bên ngoài… Mọi việc đều được ông Lâm Hùng Sổi – nghệ nhân nam duy nhất ở làng Bình Đức thực hiện một cách nhanh chóng, gọn ghẽ.

gom-cham.jpg
Nghệ nhân Lâm Hùng Sổi

“Không chỉ cộng đồng người Chăm mà trong các gia đình và ở nhà hàng, quán ăn đều sử dụng khá phổ biến sản phẩm gốm Chăm Bình Đức để nấu nướng. Từ chiếc nồi dùng để nấu cơm, nấu nước; chiếc trã dùng kho cá, nấu canh; chiếc ấm dùng sắc thuốc và nấu nước uống; chiếc khương để đốt than cho phụ nữ khi sinh nở… Đặc biệt sản phẩm gốm Chăm Bình Đức sử dụng nấu nướng được nhiều người đánh giá là ngon hơn so với các dụng cụ bằng đồng, nhôm, gang hoặc inox. Vì thế dù vất vả nhưng nhờ nghề mà nuôi được con khôn lớn. Nhờ nghề mà đến thời điểm này gia đình vẫn có đồng ra đồng vô. Yêu nghề, nghề không phụ là vậy, nên phải gìn giữ, phát huy chứ”. Người đàn ông năm nay 60 tuổi, mái tóc hoa râm kể với giọng đầy tự hào.

gom..jpg
Những sản phẩm gốm truyền thống ở Bình Đức

Làng gốm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình là làng nghề nổi tiếng có từ lâu đời, gắn chặt với đời sống, phong tục tập quán của người Chăm địa phương. Thuở thơ ấu, những cô gái Chăm ngày ấy đã được bà, được mẹ hướng dẫn làm gốm. Hầu hết các khâu do người phụ nữ Chăm đảm trách đều yêu cầu sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo và cứ thế đời nối đời, mẹ truyền con nối. Người đàn ông Chăm chỉ đảm nhiệm những công việc nặng nhọc như lấy đất, vận chuyển đất về nhà, lấy củi, rơm, vận chuyển gốm từ nhà đến lò nung, nung gốm… Bởi thế hình ảnh một người đàn ông có thân hình nhỏ bé ngồi tỉ mẩn nhồi đất, nặn gốm khá thú vị trong mắt những du khách khi về làng nghề tham quan.

Có thể ban đầu xuất phát từ lý do chia sẻ công việc với vợ, khi bà sức khỏe yếu đi sau cơn bạo bệnh, nhưng hơn tất thảy vẫn là sự đau đáu với nghề truyền thống, có thế ông mới không nề hà học nghề. Từ loay hoay với cách tạo hình, trộn đất với cát không đều khiến khi nung nhiều sản phẩm bị nổ, để đến bây giờ trở thành một nghệ nhân lành nghề, được đi biểu diễn, mang sản phẩm trưng bày ở nhiều đợt triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Sự kiện UNESCO chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” vào cuối tháng 11 năm 2022, không chỉ là niềm vui mà còn là động lực để nghệ nhân Lâm Hùng Sổi cũng như 43 hộ gia đình ở làng Bình Đức còn gắn bó với nghề gốm truyền thống cố gắng hơn trong công tác giữ nghề và truyền nghề.

gom-1.jpg
Nghề gốm gắn chặt với đời sống, phong tục tập quán của người Chăm Bình Đức

Tạo sức sống bền vững trong cộng đồng

Bình Thuận có 35 dân tộc sinh sống, trong đó người Kinh chiếm đa số, tiếp đến theo trình tự dân số từ cao xuống thấp là các dân tộc Chăm, Raglai, Cờho, Hoa, Tày, Chơro, Nùng… Vì thế lễ hội truyền thống và lễ hội văn hóa rất phong phú và đa dạng, diễn ra ở nhiều không gian, địa điểm gắn với từng cộng đồng dân tộc khác nhau. Trong đó, hát Then - đàn Tính là văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Tày, Nùng, Thái nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại. Cuối năm 2019, di sản này đã chính thức được UNESCO ghi danh.

2023.-giao-luu-vn.jpg
Biểu diễn hát Then- đàn Tính trong các chương trình sinh hoạt ở xã

Từ các tỉnh phía Bắc vào định cư, người dân tộc Tày, Nùng đã mang theo điệu hát Then - đàn Tính vào vùng đất mới, trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng dân tộc tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình. Bà Đinh Thị Yến – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sông Bình cho biết: Ngày còn nhỏ và những lần trở về Cao Bằng, tôi vẫn được ông bà kể Then không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Tày, Nùng, trở thành một trong số tín ngưỡng đặc thù của cộng đồng vào các ngày lễ lớn như lễ hội cầu mưa, mừng cưới hỏi, lễ mừng thọ… Then được thể hiện sinh động bằng lời ca, tiếng nhạc, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn.

Nhưng rồi cuộc sống mưu sinh, những người lớn tuổi khi vào vùng đất mới ít còn hát, ngại ngùng khi hát, một số người đã mất. Còn đám trẻ như chúng tôi mải với việc học tập nên không còn nghe tiếng Then. Để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, tháng 9 năm 2022, UBND xã Sông Bình ra quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) đàn Tính - hát Then, hát dân ca dân tộc Tày, Nùng. CLB gồm 16 thành viên, chia làm 3 nhóm. Trong đó nhóm hát Phong Slư từ 40 – 55 tuổi và nhóm hát Heo Pưn dành cho người cao tuổi – đây là thể loại hát đối đáp giao duyên giữa nam và nữ, yêu cầu giọng hơi dài, rất khó hát. Riêng nhóm đàn Tính – hát Then gồm các thành viên từ 29 đến dưới 40 tuổi. Dù chưa ai biết hát, chưa biết các phím đàn, kể cả việc tập đàn cũng phải học qua YouTuber, nhưng mọi người đều kiên trì, đều đặn tập luyện, truyền dạy vào buổi tối ở nhà một số hội viên tại thôn Tân Sơn.

Bà Nông Thị Phú – một hội viên lớn tuổi trong CLB chia sẻ: Âm nhạc là yếu tố xuyên suốt cuộc hát Then, nhưng lời hát là yếu tố cực kỳ quan trọng. Bởi vì người ta yêu Then, hiểu Then cũng từ ngôn ngữ mà ra, ấy là những câu chuyện cổ, những lời răn dạy về cuộc sống... mà ông cha đã đúc kết, truyền lại cho con cháu đời sau. Giữa bộn bề vất vả, tiếng Then, đàn Tính trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết giữa các thế hệ, gìn giữ cho nếp nhà, thôn xóm yên vui.

Ngoài phục vụ biểu diễn trong các dịp tết, lễ nghi của dân tộc mình thì CLB thường xuyên biểu diễn tại cộng đồng, địa phương. Chính sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền đang là cách thu hút đồng bào dân tộc Tày, Nùng tham gia giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng. Đồng thời là biện pháp quan trọng nâng cao đời sống tinh thần, làm đa dạng, phong phú đời sống văn hóa ở khu dân cư.

 Tại hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú về tâm hồn…

Bài 2: Tạo “không gian sống” cho di sản

THÙY LINH - ẢNH NGỌC LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hiện vật quý về văn hóa của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn được trưng bày phục vụ công chúng
Trong khuôn khổ triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam” từ ngày 27/8 – 2/9 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và triển lãm “Di sản văn hóa Bình Thuận kết nối các vùng, miền” diễn ra từ ngày 31/8 – 6/9 tại di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, một trong những gian trưng bày hiện vật, hình ảnh thu hút rất nhiều du khách và nhân dân tới xem, tìm hiểu, đó là gian trưng bày của nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Ngọc Ẩn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Gìn giữ di sản phi vật thể cho muôn đời sau. Bài 1