Con đường giao thương trên biển Bình Thuận
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn hiện cư trú ở phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Bình Thuận. Đến với triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam” do Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì và sự tham gia của 22 tỉnh, thành, gian trưng bày của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn cho thấy những nét cơ bản về con đường giao thương trên vùng biển Bình Thuận và những ngư lưới cụ của ngư dân đánh bắt ven biển, thông qua hơn 400 hiện vật. Đó là các tỉn mắm, gốm sứ các triều đại, thuyền nốc bầu bán nước mắm; những ngư cụ gồm thuyền thúng, câu mực tăm bông, câu mực thẻ, lưới rùng…
Điểm đặc biệt là chiếc thuyền nốc bầu của Bình Thuận chỉ có một cánh buồm, khác với thuyền nốc bầu 3 cánh của các tỉnh. Ông Ẩn giải thích: Lý do là thuyền Bình Thuận chủ yếu vận chuyển nước mắm ở quãng đường ngắn hơn, đa số là đi lục tỉnh Nam kỳ.
Ngoài ra, con đường giao thương trên biển còn có sự xuất hiện của những tàu buôn chuyên chở gốm sứ từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và gốm Chu Đậu (Việt Nam) bị đắm trên vùng biển Bình Thuận. Những hiện vật ấy biện chứng cho Cửa tấn Phú Hải, Vịnh cảng Vị Nê (Mũi Né), Cửa tấn Phan Rí trước đây là chỗ thường được thương thuyền ghé vào giao lưu.
Đặc sắc bộ sưu tập Chăm
Còn tại triển lãm “Di sản văn hóa Bình Thuận kết nối các vùng, miền”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Ẩn lại mang đến cho người xem sự thú vị với những nét văn hóa đặc sắc của Vương triều Chăm Pa phát triển rực rỡ trên vùng đất Bình Thuận. Đó là các tượng Kut, tượng đá, núm vàng, đồ dùng, bộ trang sức của hoàng tộc Chăm, bức tranh “cô gái Chăm” của họa sĩ Đàng Năng Thọ… Đây là những hiện vật quý được ông Ẩn sưu tầm, nghiên cứu hơn 30 năm nay và lần đầu tiên đưa đi triển lãm.
Bên cạnh đó, còn có những hiện vật gốm sứ Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Hiện vật là đôi đũa ngà nạm vàng, khuyên tai chất liệu vàng và các trang sức bằng chất liệu bạc, đồng… từ thế kỷ X – XIII, phát hiện ở di chỉ Tà Lú (xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình) năm 2000.
Trong không gian trưng bày, người xem còn thấy phảng phất một Phan Thiết xưa với những xóm nhà chồ, sinh hoạt hằng ngày của cư dân vùng biển qua tranh của họa sĩ Tô Minh được ông Nguyễn Ngọc Ẩn sưu tầm.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn chia sẻ: Qua hơn 300 hiện vật, hình ảnh tiêu biểu gói gọn trong không gian trưng bày nhỏ chừng vài chục mét vuông tại di tích tháp Pô Sah Inư, tôi muốn nhân dân và du khách thấy rằng văn hóa người Chăm và văn hóa người Kinh từ thế kỷ thứ X – XIX rất phong phú, đa dạng, cần nghiên cứu nhiều hơn để phát huy các giá trị. Đồng thời, cũng thấy được sự giao lưu giữa văn hóa Chăm Bình Thuận và người Chăm sinh sống ở các vùng miền hay nét đan xen giữa văn hóa Sông Đồng Nai với văn hóa Đa Kai Bình Thuận…
Những hiện vật quý của nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Ngọc Ẩn góp phần làm đa dạng sắc màu tại hoạt động trưng bày, triển lãm, phục vụ giáo dục học sinh, thu hút khách tham quan đến với Bình Thuận nhằm phát triển du lịch, kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn đã sưu tầm được hơn 40.000 hiện vật, cổ vật qua các thời kỳ đang trưng bày tại gia đình ở khu phố 5 và mở cửa thường xuyên đón người dân, du khách vào tham quan, nghiên cứu. Từ năm 2014 đến nay, ông tổ chức 81 lần hiến tặng trên 50.000 hiện vật cho các đơn vị, bảo tàng, trường học, phòng trưng bày truyền thông quân sự các tỉnh, thành. Trong đó có nhiều lần hiến tặng hiện vật quý hiếm cho Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.