Theo dõi trên

Bài dự thi Giải Cờ đỏ: Khi đảng viên người Chăm làm theo lời Bác

26/09/2023, 10:08

"Tất cả những gì mà tôi làm được như hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ kính yêu. Suốt quá trình học tập và làm việc, Bác Hồ luôn là tấm gương sáng cho bản thân tôi, gia đình và đồng bào Chăm noi theo. Đồng bào Chăm nguyện học và làm theo Bác để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và cùng nhau làm giàu cho quê hương..." - Anh Cửu Đặng Long An - một đảng viên dân tộc Chăm đang công tác tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Bắc Bình đã khẳng định như vậy khi trò chuyện với tôi.

Học làm theo Bác

Có dịp ghé đến Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Bắc Bình vào một ngày cuối tuần, chúng tôi thấy từng nhóm thiếu nhi người Chăm quây quần bên nhau để hòa mình vào các điệu múa, các nhạc cụ của dân tộc mình... Nam thì tay trống, tay chiêng, nữ thì múa quạt tạo nên một không gian văn nghệ rất rộn rã và cuốn hút. Thích thú và có đôi chút tò mò về “sân chơi” nghệ thuật này, hỏi ra mới biết, sân chơi này do anh Cửu Đặng Long An (SN 1984, thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, Bắc Bình) một nghệ sĩ đang công tác tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Bắc Bình là người có tâm huyết khởi xướng và cũng là người truyền lửa cho các em thiếu niên, nhi đồng nơi đây.

a1.jpg
Anh Cửu Đặng Long An.

Bắc Bình nơi có nhiều lễ hội dân gian đặc sắc thường xuyên diễn ra, từ nhỏ anh Long An đã theo cha là nghệ nhân ưu tú Cửu Lạc - chức sắc Mâduen (thầy vỗ) đi khắp làng nghe các âm thanh nhạc lễ trống Ghi năng, kèn Saranai đã thấm vào tâm hồn anh khi còn nhỏ, lớn lên lại có cơ hội công tác liên quan đến văn hóa dân tộc nên anh Long An có thuận lợi khi đi điền giã nghiên cứu sưu tầm ghi chép lại các lễ hội văn hóa các tộc người trong huyện, làm hành trang giúp ích cho việc biên tập và dàn dàn dựng sau này. Nhận thấy văn hóa Chăm ngày càng ít được các bạn trẻ người Chăm quan tâm, nhất là thanh thiếu nhi nên anh Long An nảy ra ý tưởng mình phải có trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ý tưởng này cũng là xuất phát từ việc hưởng ứng và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà anh đã đề ra cho mình.

a2.jpg
Anh Long An (ngồi dưới nền nhà) đang hướng dẫn cho học sinh và du khách về nhạc cụ.

Anh Long An tâm sự: “Ban đầu, tôi chỉ truyền dạy cho vài em ở cùng làng để các em phục vụ trong những dịp lễ hội, tuy nhiên được một thời gian hoạt động, có nhiều em ở các làng khác cũng muốn học. Nên năm 2017, tôi đã tham mưu cho Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Bắc Bình thành lập và duy trì câu lạc bộ “Năng khiếu thiếu nhi Chăm huyện Bắc Bình”. Hàng năm bản thân tôi trực tiếp truyền dạy nhạc cụ và múa dân gian Chăm miễn phí cho hơn 80 học viên thuộc 3 xã Chăm tham gia”. Để có được câu lạc bộ thiếu nhi Chăm như hôm nay cũng không hề dễ dàng, trước đó việc tập hợp các em tham gia sinh hoạt rất khó khăn do nhà xa, còn phụ thuộc vào phụ huynh, anh Long An phải đến từng nhà vận động, phân tích, phải truyền cho các em sự đam mê, yêu thích thì các em mới duy trì sinh hoạt tại câu lạc bộ.

a4.jpg
Lễ ra mắt câu lạc bộ.

Vận động đồng bào Chăm làm theo lời Bác

Hiện nay, câu lạc bộ “Năng khiếu thiếu nhi Chăm huyện Bắc Bình” đang duy trì và tạo ấn tượng tốt với bà con người Chăm, một số em hiện được tham gia biểu diễn cùng đoàn trong dịp lễ hội và hội thi, hội diễn góp phần vào việc giữ gìn và phát bản sắc văn hóa dân tộc. Em Minh Nhật Tân, thành viên câu lạc bộ cho biết: “Cách đây vài năm, em theo anh Long An đi chơi tại các làng Chăm nhân dịp Lễ hội Ka tê, Ramưwan. Em nghe tiếng đàn, tiếng trống của dân tộc mình rồi "máu" nghệ sĩ trong em cứ lớn dần và bây giờ em đã là một trong những hạt nhân văn nghệ của các nhạc cụ dân tộc Chăm”. "Em cảm thấy rất hào hứng và vui vẻ khi cùng bạn bè hòa vào những điệu múa, lời ca của dân tộc mình. Từ khi được chú Long An truyền đạt những kiến thức về các vũ đạo, về các loại nhạc cụ em rất thích thú. Khi tham gia vào đội múa, em cảm thấy rất tự hào và thêm yêu dân tộc mình, cho nên dù nhà ở xa em vẫn chăm chỉ đến tham gia tập luyện cùng mọi người”, Văn Thị Hương Giang - một nữ sinh dân tộc Chăm tâm sự.

a3.jpg
Anh Long An cùng nhóm múa.

Là một tuyên truyền viên, cán bộ nghiệp vụ xây dựng phong trào văn hóa - văn nghệ, Trưởng đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm Bắc Bình, anh Long An còn tham gia xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật dân gian phục vụ tuyên truyền pháp luật cho đông đảo bà con các dân tộc thiểu số. Từ đó giúp bà con hiểu thêm về chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời tuyên truyền vận động đồng bào Chăm tích cực học tập và làm theo lời Bác... thông qua các tiểu phẩm như: Tuyên truyền giao thông Lỗi tại ai, 4 điều ghi nhớ, Màu của đất nung… Mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ, anh Long An luôn tuyên truyền đến các thành viên trong câu lạc bộ về việc học tập và làm theo Bác, mà cụ thể là việc ra sức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình...

Cùng nhau gắn kết cộng đồng

Nhân dịp Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, anh Long An còn dàn dựng các tiết mục văn nghệ dân gian Chăm tham gia Lễ hội Katê tại tháp PôsahInư Phan Thiết, đặc biệt hàng năm được địa phương tin tưởng giao biên tập và dàn dựng lễ rước sắc phong tại đền thờ Pônit (thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp) với hơn 100 diễn viên và nghệ nhân tham gia. Ngoài ra, anh Long An còn được Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận mời chọn tham gia hội thi Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 tại TP. HCM với thành tích đạt được là 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc... Năm 2022, anh còn tham gia biên đạo dàn dựng chương trình nghệ thuật dân gian Chăm tại Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc tỉnh Bình Thuận đã tạo nhiều ấn tượng tốt cho người xem với giải nhất toàn đoàn (5 giải A, 2 giải B). Nhờ đó  chương trình của huyện Bắc Bình được tỉnh chọn đại diện tham gia Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc khu vực miền Trung tại Bình Định năm 2023 và đạt giải cao (2 giải A, 3 giải B, 2 giải C).

384151085_1039242993899487_8689919228146468216_n.jpg
Anh Long An (bên phải thứ 2 sang) biểu diễn cùng học viên tại Hà Nội.

Ngoài những thành tích nổi bật trong nghệ thuật, anh Long An cùng với gia đình còn đồng hành và tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Chẳng hạn, anh đã lập nhóm thiện nguyện trên zalo để kết nối bạn bè đang công tác xa quê có cả người Chăm - Kinh cùng tham gia công tác thiện nguyện, để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn... 

a7.jpg
Anh Long An (thứ ba bên phải sang) nhận giải A - tiết mục hòa tấu chung kết Liên hoan dân ca Việt Nam tại Hà Nội.

Là người luôn tiên phong trong phong trào văn nghệ, thể thao tại địa phương, được Ban Thường vụ Huyện đoàn tuyên dương gương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác, Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Bình biểu dương và khen thưởng cá nhân tích cực trong phong trào yêu nước, góp phần tích cực thực hiện tốt Chỉ thị 03 năm 2014; Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật dân gian Chăm... Đặc biệt trong năm 2009, anh Long An còn được đồng chí Võ Văn Thưởng - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (nay là Chủ tịch nước) tặng huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác...

“Để làm tròn nhiệm vụ trao truyền cho các thế hệ sau tiếp nối việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản thân tôi cần ra sức rèn luyện, trau dồi về nghệ thuật để tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình và sẵn sàng giúp đỡ thanh thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đó là tâm niệm của anh Long An.

HỒNG CHÂU

Bài liên quan

Bình Thuận tạo ấn tượng trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung
BTO-Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại thành phố Quy Nhơn - Bình Định (gọi tắt Ngày hội), diễn ra từ 8 – 10/9 đã khép lại. Đoàn Bình Thuận với nhiều hoạt động mang đến Ngày hội đậm nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Chăm, K’ho.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ đỏ: Khi đảng viên người Chăm làm theo lời Bác