Bình Thuận nơi có nhiều người Chăm ở Việt Nam cư trú với hơn 41.000 đồng bào Chăm sinh sống chủ yếu tập trung tại huyện Bắc Bình, Tánh Linh, Tuy Phong, trong đó huyện Bắc Bình có 3 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm thuộc các xã: Phan Điền, Phan Hiệp và Phan Thanh. Cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận bao đời nay luôn một lòng sắt son theo Đảng, tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực giữa đời thường.
Người Chăm ở Bình Thuận
Cộng đồng người Chăm đã gắn bó với vùng đất Bình Thuận qua nhiều thế kỷ cùng với các dân tộc anh em khác trên vùng đất này đã đóng góp cho nền văn hóa của tỉnh nhà nói riêng và của Việt Nam nói chung với nhiều di sản quý giá. Người Chăm sinh sống ở Bình Thuận theo đạo Bàlamôn và Hồi giáo (Bàni) đều mang tính mẫu hệ và duy trì cho đến ngày nay. Tuy phụ nữ là người chủ gia đình nhưng vai trò của nam giới đối với gia đình khá quan trọng chi phối mạnh mẽ đến cuộc sống gia đình và xã hội. Vốn là dân tộc có truyền thống tín ngưỡng đa thần (tín ngưỡng vật linh) nên tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm ở Bình Thuận là một hệ thống tín ngưỡng bao gồm những tập tục, lễ hội truyền thống dân gian, pha trộn yếu tố dân tộc đặc trưng, góp phần làm phong phú cho đời sống văn hóa tinh thần. Hàng năm, dân tộc Chăm ở Bình Thuận có những những tập tục, lễ hội truyền thống thu hút khách du lịch trong nước và ngoài nước như: Lễ hội Katê, Lễ hội Ramưwan… Dân tộc Chăm và các dân tộc khác ở Bình Thuận sống rất gần gũi nhau, cộng canh, cộng cư với nhau. Ở nhiều vùng nông thôn, người Chăm và người Kinh sống đan xen, dựa vào nhau trong mọi sinh hoạt để hỗ trợ cho nhau một cách thiết thực và thân tình. Người Chăm còn có một chuỗi hệ thống lễ nghi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa dân gian qua hàng trăm lễ hội, lễ nghi còn lưu giữ đến ngày nay. Kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể của người Chăm rất đặc sắc và đa dạng. Ngoài việc có tiếng nói và chữ viết riêng, có trang phục và phong tục thờ cúng thì các loại hình nghệ thuật ca, múa dân gian Chăm là phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Người Chăm có truyền thống nông nghiệp ruộng nước, làm vườn trồng cây ăn trái. Bên cạnh việc làm ruộng nước vẫn tồn tại loại hình ruộng khô một vụ trên sườn núi. Bộ phận người Chăm ở Bình Thuận còn có nhiều làng nghề truyền thống như dệt lụa tơ tằm và nghề gốm nặn tay, nung trên các lò lộ thiên...
Nghĩa cử cao đẹp của người Chăm
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, con cháu thuộc Hoàng tộc Chăm ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình như bao dân tộc khác đều một lòng theo Đảng và con đường Bác Hồ đã chọn. Các thế hệ con cháu trong Hoàng tộc Chăm đều tham gia Mặt trận Việt Minh, điển hình như 4 chị em bà Nguyễn Thị Thềm, Nguyễn Thị Ngói, Dụng Gạch và Dụng Thiết. Đặc biệt là bà Nguyễn Thị Thềm đã bàn bạc cùng tộc họ tham gia và hưởng ứng mạnh mẽ phong trào ủng hộ “Tuần lễ vàng” năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh vận động. Với nghĩa cử cao đẹp này đã kéo theo một làn sóng quần chúng nhân dân huyện Phan Lý Chàm, nay là huyện Bắc Bình tham gia ủng hộ mạnh mẽ cho phong trào này. Theo lời kể của những người lớn tuổi trong Hoàng tộc Chăm thuộc thế hệ trước, khi tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Tuần lễ vàng”, bà Nguyễn Thị Thềm hiến một bộ Vương miện vàng cho Po Klong Ghul (mũ miện bằng vàng) và 1 búi tóc bằng vàng của hoàng hậu cùng nhiều hiện vật bằng vàng khác. Khi đánh đuổi thực dân Pháp giành được chính quyền, ông Dụng Gạch, một người con của Hoàng tộc Chăm là ủy viên UBND lâm thời huyện Phan Lý Chàm lúc bấy giờ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình tiếp tục cống hiến sức người, sức của cho cách mạng. Ông Dụng Gạch, bà Nguyễn Thị Thềm đã vận động con cháu trong Hoàng tộc Chăm hiến trên 200 ha đất cho chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương “Người cày có ruộng” của Nhà nước. Năm 1979 đến năm 1980, ông Dụng Gạch cùng với bà Nguyễn Thị Thềm tiếp tục hiến 20 ha ruộng đất còn lại đang canh tác của mình vào Hợp tác xã để góp phần xây dựng và phát triển đất nước còn non trẻ. Trong kháng chiến, nhiều người Chăm còn bí mật tham gia cách mạng, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Cũng vì thế mà nhiều chiến sĩ cách mạng là người Chăm đã phải hy sinh cả xương máu của mình vì độc lập tự do của đồng bào mình. Về huyện Bắc Bình khi nhắc đến “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” Nguyễn Thanh Mận là người dân tộc Chăm thì ai cũng biết. Nguyễn Thanh Mận, sinh năm 1952, dân tộc Chăm, ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, nhập ngũ tháng 9/1970, khi tuyên dương anh hùng là cấp bậc thượng sĩ, chính trị viên xã đội, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuất thân từ gia đình nghèo khổ, cha mất sớm, năm 15 tuổi đồng chí Nguyễn Thanh Mận đã tham gia cách mạng nhưng mẹ đồng chí vì quá thương con đã tìm gặp cán bộ ta xin cho con về lại nhà. Thấy đồng chí nhiệt tình cách mạng, cán bộ ta giao nhiệm vụ cho đồng chí về hoạt động bí mật ở địa phương. Đồng chí bị địch bắt nhiều lần, một lòng theo cách mạng đồng chí nhất quyết không khai gì cho địch. Sau khi ra tù lần cuối cùng, đồng chí gia nhập bộ đội. Trong chiến đấu với nhiều cương vị khác nhau như sản xuất tự túc, chiến sĩ bộ binh, tiểu đội, trung đội và chính trị viên xã đội, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì và hạng Ba. Ngày 6/11/1978, đồng chí được Quốc hội tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Lòng tôn kính với Bác Hồ
Chúng tôi về huyện Bắc Bình trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, được nghe những câu chuyện rất đời thường của đồng bào Chăm nơi đây nhưng mang đậm tính nhân văn. Ông Lư Quốc Thiện, là một người cháu của dòng họ Hoàng tộc Chăm ở Bắc Bình kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện của đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình. Mỗi dịp Tết Katê, Ramưwan là dịp đồng bào Chăm tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu và để khắc dạ ghi tâm mốc son lịch sử của đất nước. Với những đảng viên lão thành, trọn một đời theo Đảng, Đảng chính là nguồn sống để họ không ngừng vun đắp lý tưởng cộng sản cao đẹp, trao truyền ngọn lửa cách mạng cho đời sau. Từ ngày thống nhất đất nước đến nay các thế hệ của đồng bào Chăm tiếp tục noi gương các thế hệ cha ông đi trước, một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với con đường cách mạng mà Bác Hồ đã chọn. Nhà báo Trần Quốc Hanh (bút danh Quế Hà) Báo Thanh Niên đã có 12 năm làm giáo viên ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình (xã thuần đồng bào dân tộc Chăm) chia sẻ với chúng tôi, Tết Nguyên đán không phải là tết chính của người Chăm. Song, với bà con người Chăm dù là Tết Nguyên đán hay Tết Katê, Ramưwan đều là dịp để ôn cố tri tân và tỏ lòng biết ơn các bậc tiền bối đã đem lại ấm no hạnh phúc cho Plây Chăm, trong số các vị tiền bối ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vô cùng gần gũi trong trái tim người Chăm. Thể hiện lòng tôn kính dành cho Bác Hồ, người Chăm còn duy trì việc lập bàn thờ và treo ảnh Bác Hồ trong nhiều năm qua. Việc làm ý nghĩa này luôn ghi nhớ, học tập và noi theo gương Bác từ những điều nhỏ nhất. Có nhà còn treo và thờ ảnh Bác chung với bàn thờ gia tiên, có nhà đặt bàn thờ Bác bên cạnh bàn thờ gia tiên và có nhà treo ảnh Bác nơi trang trọng trong phòng khách. Thờ ảnh Bác Hồ của người Chăm thể hiện lòng biết ơn vô hạn, sự tôn kính với Bác Hồ kính yêu. Chính nét đẹp ấy đã góp phần to lớn trong giáo dục thế hệ trẻ, là niềm tin vững chắc để phát huy hiệu quả phong trào học tập và làm theo gương Bác.