Bởi “uống nước nhớ nguồn”, thầy cô muốn học trò tham quan nơi Bác Hồ đã từng dạy học để khơi dậy lòng biết ơn, tình yêu quê hương đất nước trong trái tim các cô cậu học trò nhỏ.
Nép mình bên dòng Cà Ty, trường nằm trong một khuôn viên không rộng lớn nhưng có đủ các loại cây kiểng, cây ăn trái. Ai tới trường tham quan cũng phải ồ à ngạc nhiên trước cây khế trăm tuổi, cây mít dày đặc trái từ gốc lên, cây bưởi đeo những trái tròn vo, cây lựu cong mình vì trái trĩu nặng… Khách tham quan thường chọn những cảnh cây trái hay hoa kiểng để chụp hình lưu niệm. Hồ súng, hồ sen nơi đây hoa to và đẹp, có cả giống sen trắng rất hiếm nữa. Ban quản lý như biết ý nên cho trồng nhiều loại cây kiểng tạo hình rất đẹp để thỏa mãn nhu cầu check in của du khách. Mỗi năm ghé lại tôi đều thấy có cây mới được trồng, có cả khu vực dành chụp ảnh check in địa điểm xếp đá, bày trí cây kiểng, rất đẹp.
Tranh thủ lúc học trò ngồi nghe cô hướng dẫn viên thuyết trình về Bác và Trường Dục Thanh, tôi loanh quanh tham quan bên ngoài. Cây cối xanh tươi, đơm hoa kết trái sai lúc lỉu cho thấy chúng được chăm bón cẩn thận mỗi ngày. Xứ này đất đai không phì nhiêu như những vùng khác, thậm chí khá khô cằn, vậy mà mấy cây ăn trái sai trái đến ngạc nhiên. Tôi thầm nghĩ chắc hẳn người làm vườn ở đây phải yêu cây cối và am hiểu kỹ thuật chăm sóc mỗi loại cây lắm đây. Nhìn quanh tìm kiếm thì thấy một người đàn ông dáng người bé nhỏ, mặc bộ quần áo sẫm màu đội nón tai bèo đang tưới cây. Ông để cho vòi nước chảy vào gốc bưởi đã được đánh bồn rồi cẩn thận cắt cành, nhổ cỏ cho đám kiểng bên cạnh, lại mở van nước xả vòi phun tưới cỏ, tỉa cây ven lối đi, nhặt lá vàng rơi trên thảm cỏ. Cứ thế loay hoay miệt mài chẳng để ý xung quanh.
Tôi để ý thấy khuôn mặt ông có phần hốc hác, đen nhẻm và đường nét cho thấy hơi khó tính nên có phần dè chừng. Cũng phải, công việc này đòi hỏi không chỉ siêng năng mà phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chút nên khó chịu là thường thôi. Nghĩ vậy nên tôi chỉ dạo quanh, cẩn thận nhìn biển chỉ dẫn nơi nào được bước vào chụp hình và nơi nào không được giẫm lên cỏ để hướng dẫn cho học trò.
Mé trước vườn có cây lê ki ma xanh um, trái đu đầy cành trông phát ham. Thấy tôi cứ đứng xuýt xoa, người làm vườn cười bảo:
- Ở đây chẳng ai ăn loại này đâu cô ạ.
- Chín có bán không vậy chú?
- Cô thích ăn thì tầm tháng mười hai ghé tôi hái ít trái chín cho. Chẳng ai ăn hết để chín rụng đầy gốc à.
Nhìn nụ cười xởn lởn của ông tôi chợt cười mình đã đánh giá sai người ta. Cách nói chuyện của ông thân thiện vui vẻ chứ không hề khó chịu như tôi nghĩ. Khi biết tôi dẫn học sinh đi tham quan, ông nhiệt tình hướng dẫn những góc chụp hình đẹp:
- Cô đứng kế bãi cỏ trái tim bên kia tôi chụp hình giúp cho.
Trước sự nhiệt tình của ông, tôi không nỡ từ chối nên cũng nhờ chụp giúp vài tấm để làm kỷ niệm. Nghĩ cũng lạ, trong khu vườn toàn cây cối này công việc chăm sóc hẳn bận rộn lắm, vậy mà thái độ của ông vẫn vui vẻ, nhiệt tình như thể công việc ấy chẳng vất vả gì. Hình như với chú được chăm sóc cây mỗi ngày là một niềm vui sống. Một người luôn giữ cho mình niềm vui khi làm việc như chú thì thật hiếm thấy. Như tôi, nhiều khi công việc dồn dập quá cũng căng thẳng cáu gắt học trò chứ chẳng phải không. Bởi vậy khi tiếp xúc trò chuyện với chú tôi thấy khâm phục quá, thấy mình còn phải học hỏi ở chú nhiều.
Bao nhiêu người tới trường tham quan, trầm trồ trước vẻ đẹp của cây cối chụp hình lưu niệm, mấy ai quan tâm người đã trồng, đã chăm sóc cây hàng ngày đâu. Tôi biết sẽ có người bĩu môi kiểu họ đi làm thì lãnh lương, có gì đâu mà ngưỡng mộ. Phải, đi làm thì lãnh lương nhưng có người nhiệt tình yêu công việc của mình còn có người chỉ làm cho hết giờ, hết ngày. Hiệu quả công việc dĩ nhiên cũng khác nhau. Cứ nhìn cây mít, cây khế, cây bưởi, cây lựu sai trĩu trái cũng đủ hiểu người làm vườn đã làm việc bằng tình yêu chứ không phải qua loa cho xong đợi ngày lãnh lương. Chăm sóc cây tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó vô cùng, phải tỉ mẩn tỉa từng lá sâu, phân thuốc phòng sâu bệnh đúng cách chứ không chỉ tưới nước bỏ phân là cây ra trái. Cũng trồng cây, chăm cây nên tôi rất hiểu khó khăn của công việc làm vườn.
Ngẫm nghề nào cũng có cái khó, phải yêu nghề thật sự mới có thể tạo nên trái ngọt. Người làm vườn trong Trường Dục Thanh đã dạy cho tôi bài học đừng nhìn mặt mà bắt hình dong, đừng thấy họ vẻ ngoài xấu xí, làm công việc tay chân mà khinh thường. Tôi phải học tập chú bài học về tình yêu với công việc, luôn đối đãi vui vẻ nhiệt tình với người xung quanh chứ không để áp lực công việc đè bẹp mà trở nên cáu gắt, tức giận vô lý.