Theo dõi trên

Bàn giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực

30/08/2023, 20:16

BTO-Chiều 30/8, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) tổ chức phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị. Phiên họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 địa phương.

Tại điểm cầu Bình Thuận do đồng chí Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực chỉ đạo cải cách hành chính và CĐS tỉnh chủ trì, được kết nối xuống các huyện, thị, thành phố.

img_5647.jpg
Điểm cầu Bình Thuận tham dự phiên họp chuyên đề lần thứ 2 về chuyển đổi số

Phiên họp chuyên đề lần thứ 2, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của CĐS, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, trong hoạt động kinh tế số, hoạt động sản xuất phần cứng, thiết bị điện tử, quang học đang có đóng góp nhiều nhất hiện nay với 58,58% tổng giá trị; tiếp đến là viễn thông; bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm. Năm 2022, nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất là lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính, xuất bản phần mềm (tăng 23%), hoạt động dịch vụ thông tin (tăng gần 22%). Nhóm có mức độ lan tỏa nhiều nhất là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (đóng góp khoảng 19% quy mô kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (đóng góp khoảng 16%); hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc (đóng góp khoảng 14%); giáo dục và đào tạo (đóng góp khoảng 13%).

img_5650.jpg
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận Lê Thanh Sơn báo cáo tham luận

Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận Lê Thanh Sơn đã chia sẻ giải pháp chiếu sáng thông minh vào CĐS nông nghiệp. Theo đó, Bình Thuận xác định cây thanh long là cây trồng có nhiều lợi thế để phát triển, là 1 trong 9 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh gần 27.000ha, sản lượng 500.000 tấn/năm; giá trị thanh long mang lại cho nền kinh tế tỉnh nhà bình quân khoảng 350-400 triệu USD/năm. Những kết quả từ việc sản xuất thanh long trong thời gian qua có được là nhờ sự hỗ trợ của các nhà khoa học và sự cần cù chịu khó của bà con nông dân trong việc tìm tòi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đáng chú ý là sử dụng ánh sáng đèn để chiếu sáng xử lý thanh long ra hoa trái vụ và sản xuất theo GAP.

trang-trai-thanh-long-o-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-3-.jpg
Vườn thanh long ở Bình Thuận (ảnh Ngọc Lân)

Trong lĩnh vực thủy sản, đèn led sử dụng công nghệ được ứng dụng trên tàu khai thác thủy sản xa bờ (máy chụp mực, ánh sáng led giúp dẫn dụ...) giúp nâng cao hiệu quả đánh bắt, quang thông, độ rọi, hiệu suất chiếu sáng, tuổi thọ... Việc ứng dụng đèn led trong sản xuất thanh long và khai thác hải sản còn giúp giảm lượng tiêu thụ điện, giảm chi phí sản xuất, giảm lượng phát thải từ sử dụng điện năng, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.

Ngoài ra, các đại biểu đã trao đổi về câu chuyện CĐS cảng biển thúc đẩy kinh tế số ngành, lĩnh vực; giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương để thúc đẩy kinh tế số; câu chuyện CĐS du lịch thành công ở Côn Đảo… Đồng thời chỉ ra các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số cũng như thảo luận các giải pháp tháo gỡ.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm, nhiều giải pháp, nhiệm vụ đã được chỉ ra tại phiên họp. Trong đó, có thể xác định 5 nhóm kinh tế số ngành, lĩnh vực quan trọng nhất cần tập trung được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam. Đó là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; Logistics và dệt may.

Đồng thời, thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương (đặc biệt là 11 tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, Điện Biên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau) bằng các biện pháp chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G/3G sang smartphone (hỗ trợ chi phí máy smartphone; ban hành các gói cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi, các cơ chế hỗ trợ thanh toán cho thuê bao khi chuyển đổi...). Cùng với đó, cần xây dựng công cụ đo lường, giám sát, quản trị để thúc đẩy kinh tế số…

Những nội dung này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong những tháng cuối năm 2023 nói riêng.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tập huấn chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Từ ngày 7 - 9/8, tại TP. Phan Thiết, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT); Tỉnh đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức lớp tập huấn chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nổi bật
Nhớ về tháng 4 lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàn giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực