Theo dõi trên

Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy: Ngăn chặn nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng

12/04/2023, 05:27

Từ năm 2022 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, Bắc Bình đã tuần tra phát hiện, lập biên bản, chuyển các cơ quan chức năng huyện xử lý 31 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó chuyển Hạt Kiểm lâm huyện xử lý 17 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và chuyển UBND xã Phan Lâm, Phan Sơn xử lý 14 vụ lấn chiếm đất rừng.

Ông Nguyễn Bá Triển, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy cho biết: Đơn vị được giao quản lý 24.190,26 ha rừng, đất rừng tại 35 tiểu khu nằm trên địa bàn các xã Bình Tân, Phan Tiến, Sông Bình, Sông Lũy, Phan Lâm, Phan Sơn. Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong mùa khô năm nay đang diễn biến hết sức phức tạp. Nhất là địa bàn các xã Phan Lâm, Phan Sơn có nhiều đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại khu vực Dốc Đá, Hố Khỉ, khu vực giáp ranh với dự án Đại Tống thuộc tiểu khu 82B rừng sản xuất. Tại xã Phan Tiến, người dân địa phương đã lén lút vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép về tập kết trên địa bàn xã để bán lại cho đầu mối thu mua. Trên địa bàn xã Sông Lũy, các đối tượng đã lấn chiếm đất rừng để trồng cây lâu năm và sang nhượng cho nhau diễn ra rất phức tạp. Do đó, đơn vị đã xây dựng phương án bảo vệ rừng, chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng và phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô. Hàng tháng đơn vị có kế hoạch huy động các lực lượng kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương tiến hành tuần tra, kiểm tra, truy quét các điểm nóng phá rừng tại các khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và nội vùng. Tiếp tục củng cố, duy trì 5 trạm bảo vệ rừng, 1 tổ cơ động chống phá rừng và 8 chốt bảo vệ rừng trên địa bàn các xã. Các chốt bảo vệ rừng đều có sự tham gia phối hợp của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng. Riêng chốt bảo vệ rừng Khe Nứa, Suối Tôm có sự tham gia phối hợp của Trung đoàn 994. Việc duy trì các chốt bảo vệ rừng đã phát huy hiệu quả cao về việc ngăn chặn các hành vi tác động vào rừng trái phép ngay từ đầu, vì các chốt đặt sâu trong rừng tại những vị trí trọng yếu và trên các tuyến đường thường xảy ra tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép.

Bên cạnh đó, đơn vị đã chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng tăng cường kiểm tra rừng, bám rừng dài ngày và quan hệ tốt với người dân để nắm bắt thông tin phát hiện kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất. Tiến hành các biện pháp xác minh chủ thể vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng và thường xuyên kiểm tra ngăn chặn các hành vi tác động mới. Đối với diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm chưa xác định được chủ thể vi phạm, đơn vị đã lập biên bản vắng chủ và thông báo tìm chủ vi phạm gửi cho UBND các xã. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng huyện tổ chức phá bỏ cây trồng, công trình xây dựng trái phép trên đất rừng. Tiến hành ký kết quy chế phối hợp tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng với các đơn vị có rừng giáp ranh, như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, Bảo Thuận, Tam Hiệp (Lâm Đồng). Tổ chức rà soát các hộ dân sống gần rừng, ven rừng để tuyên truyền, ký cam kết tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện chế độ phân công trực ban phòng cháy rừng tại các trạm bảo vệ rừng, mở sổ trực ban ghi lại diễn biến cháy rừng trong ngày và báo cáo tình hình cháy rừng hàng ngày về Ban chỉ huy BVR – PCCCR huyện. Đơn vị đã thiết kế đưa vào thực hiện công trình đốt chần phòng chống cháy rừng mùa khô 2022 – 2023 tại các tiểu khu trên địa bàn các xã Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Tiến...

TUẤN ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tháng tư biển gọi
“Tháng tư về biển gọi bờ xa/ Tháng tư về Bình Thuận quê ta/ Có dòng sông chảy ngang thành phố/ Có dấu chân Người in trong gió/ Đoàn thuyền về tấp nập mùa vui…”. Những câu hát của bài “Tháng tư biển hát – nhạc sĩ Lê Quang” từ chiếc loa nhà hàng xóm phát ra, khiến tôi nôn nao, dừng tay và lắng nghe.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy: Ngăn chặn nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng