Theo dõi trên

Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận: Gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm công tác

08/11/2024, 19:06

BTO-Trong hai ngày 8 - 9/11, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận do đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến công tác, trao đổi kinh nghiệm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.

Tham gia cùng Đoàn công tác có đồng chí Đoàn Anh Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Tỉnh ủy viên cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của Bình Thuận.

Đón tiếp Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm vào chiều ngày 8/11 có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận; Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh.

img_7076.jpg
Buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận và Bình Thuận vừa diễn ra vào chiều ngày 8/11/2024.
img_7099.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh phát biểu tại buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm công tác, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho biết qua theo dõi thông tin rất phấn khởi với những thành tựu mà tỉnh Ninh Thuận đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng… và đây cũng là niềm vui, sự động viên cho Bình Thuận. Trong đó có những việc mà Bình Thuận cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tham khảo cách làm hay để áp dụng vào thực tế như về quy hoạch, thu hút nguồn nhân lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng… Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển thì Bình Thuận - Ninh Thuận cũng cần có sự trao đổi, phối hợp triển khai nhằm tạo sự cộng hưởng giữa hai địa phương sở hữu nhiều nét tương đồng để cùng phát huy lợi thế, phát triển và đạt những thắng lợi trong thời gian tới.

img_7083.jpg
img_7086.jpg
Giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và trao đổi, đề xuất hợp tác phát triển giữa hai địa phương.

Dịp này, hai tỉnh lần lượt thông tin cho nhau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua cũng như giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
Với Bình Thuận, qua triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện. Nổi bật là kinh tế của tỉnh phục hồi và tăng trưởng nhanh sau đại dịch Covid - 19, cơ cấu 3 trụ cột kinh tế (công nghiệp - du lịch, dịch vụ - nông nghiệp) tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức khá, quy mô kinh tế hơn 100.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn Bình Thuận cũng cho thấy bước phát triển ổn định và chuyển dần sang công nghệ cao, hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trong khi các ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá, đặc biệt với du lịch nếu tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đón hơn 35 triệu lượt khách với doanh thu đạt trên 93.000 tỷ đồng, nằm trong top 10 địa phương có số lượng du khách lẫn doanh thu cao nhất nước…

img_7105.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận phát biểu kết thúc buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm công tác.

Đối với tỉnh Ninh Thuận, sau 32 năm tái lập tỉnh cũng thể hiện sự phát triển ổn định, từ địa phương thuộc nhóm nghèo nhất đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển và có thu nhập trung bình so với cả nước, khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 8,8% và là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh… Theo định hướng quy hoạch, hiện Ninh Thuận xác định 5 cụm ngành quan trọng: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản.

img_7107.jpg
img_7114.jpg
Trao tặng quà và chụp ảnh lưu niệm giữa hai địa phương.

Với đường bờ biển dài hơn 105 km, những năm qua Ninh Thuận xác định “kinh tế biển là động lực cho phát triển”, trong đó sẽ tập trung phát triển đột phá theo thứ tự ưu tiên. Đó là các ngành kinh tế biển: Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; du lịch và dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải; khai thác các tài nguyên khoáng sản biển khác…

Dịp này, hai tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận đã trao đổi và đề xuất một số lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh có thể xúc tiến nghiên cứu, hợp tác phát triển trong thời gian đến. Cụ thể là công nghiệp năng lượng tái tạo cần tăng cường phối hợp kiến nghị cấp thẩm quyền sớm ban hành cơ chế, chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý hướng tới thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi và hydrogen để góp phần tạo động lực tăng trưởng xanh cho hai tỉnh. Ngoài ra hai địa phương còn tính đến hợp tác phát triển trên các lĩnh vực như: Kinh tế biển; du lịch; văn hóa; xúc tiến đầu tư và thương mại, dịch vụ; nông - lâm - thủy sản; giao thông vận tải; chuyển đổi số…

Phát biểu kết thúc buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm công tác, đồng chí Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho rằng hoạt động này có ý nghĩa thiết thực và sẽ là bước khởi đầu trong triển khai hợp tác phát triển giữa hai địa phương. Đồng thời cũng nhất trí với các nội dung trao đổi, đề xuất có tính khả thi để sớm tiến tới ký kết hợp tác nhằm đem lại kết quả thực chất hơn, nhất là trong khai thác các thế mạnh liên vùng, tiểu vùng Nam Trung bộ…

img_7121.jpg
img_7126.jpg
img_7132.jpg
Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tham quan Tiểu dự án môi trường bền vững thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và dự án Đập ngăn mặn Sông Dinh.

Tại Ninh Thuận, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã dành thời gian tham quan Tiểu dự án môi trường bền vững thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, dự án Đập ngăn mặn Sông Dinh… Qua đó cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để có thể nghiên cứu triển khai thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn Bình Thuận đem lại hiệu quả cao.

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hợp tác và phát triển cộng đồng trong kinh tế tập thể
Hiện nay, tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) cơ bản dần ổn định và có chiều hướng phát triển khả quan hơn, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực sau dịch Covid- 19, đa số các loại hình KTTT trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định.
Nổi bật
Cần giải quyết nguy cơ thất thoát và lãng phí tài sản công
BTO-Sáng 6/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn trực tiếp Giám đốc Sở Tài chính Phan Thế Hanh liên quan Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Một số nội dung được các đại biểu quan tâm là công tác quản lý và xử lý tài sản công chưa hiệu quả. Nhiều tài sản không còn sử dụng lâu dài nhưng vẫn chưa được xử lý hoặc sắp xếp hợp lý. Việc quản lý chưa chặt chẽ, không đảm bảo quy định, dẫn đến nguy cơ thất thoát và lãng phí tài sản công.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận: Gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm công tác