Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí
Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí sẽ trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí, bởi lẽ, chuyển đổi số làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông. Chuyển đổi số trong cơ quan báo chí là con đường phải đi, tuy nhiên không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Đây cũng không phải một cuộc cách mạng quá lớn về công nghệ và thiết bị, mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo. Cùng với xu thế trên, trong những năm gần đây Báo Bình Thuận có nhiều cố gắng để không ngừng nâng cao chất lượng tờ báo. Thông tin kịp thời, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, làm tốt công tác định hướng tư tưởng trong Đảng và ngoài xã hội. Báo Bình Thuận đã có nhiều cải tiến các chuyên trang, chuyên mục theo sát cơ sở, mang tính thời sự, dễ đọc, dễ tìm. Đặc biệt là Báo điện tử thực hiện nâng cấp tốc độ truy cập, nâng cấp giao diện báo điện tử, duy trì và phát triển trang tiếng Anh, trang du lịch, video clip, giao lưu trực tuyến. Nội dung tin, bài cũng được cập nhật kịp thời, mang tính thời sự hơn, tin, bài khá phong phú, truyền tải thông tin và hình ảnh qua nhiều thể loại trong cả nước, vì thế đã thu hút được lượng độc giả truy cập khá lớn. Một trong những kết quả của chuyển đổi số báo chí mà Báo Bình Thuận đang trong tiến trình xây dựng các mô hình truyền thông mới đó là: “Tòa soạn hội tụ”, “Báo chí đa phương tiện”, “Báo chí đa nền tảng”, “Báo chí di động”, “Báo chí mạng xã hội” để phù hợp với xu thế sau này là báo in sẽ dịch chuyển lên nền tảng internet. Theo đó, Báo Bình Thuận đã xây dựng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử. Từng bước xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số. Thông qua môi trường tòa soạn hội tụ để nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Trong thời gian vừa qua, Báo Bình Thuận đã có nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi số, đó là việc xây dựng, nâng cấp báo điện tử, tổ chức tòa soạn đa phương tiện, tòa soạn hội tụ với đầy đủ loại hình như: báo in, báo điện tử, video… trên hạ tầng kỹ thuật số. Tuy hội tụ các loại hình báo chí trong một tòa soạn, nhưng việc tổ chức sản xuất, xuất bản thông tin không có sự trùng lắp, chồng chéo thông tin. Điều này thể hiện rất rõ các thông tin mang tính chất thời sự sẽ dành cho báo điện tử, bài phản ánh, ghi nhanh, bút ký, chuyên sâu, bày tỏ quan điểm, chính kiến, bình luận sẽ dành cho báo in và cập nhật cho báo điện tử sau khi báo in xuất bản. Ngoài trang chính của báo điện tử, tòa soạn còn sử dụng các trang mạng xã hội với những fanpage để quảng bá, chuyển tải thông tin một cách đa dạng, nhanh chóng tới công chúng. Các phóng viên giờ đây không đơn thuần chỉ biết viết hoặc chụp ảnh, mà họ đã được đào tạo để trở thành những phóng viên đa năng, sử dụng thành thạo các loại hình báo chí khác nhau. Một phóng viên có thể vừa thu thập thông tin, vừa quay phim, chụp ảnh để độc lập sản xuất những sản phẩm báo chí đa phương tiện. Việc xây dựng tòa soạn hội tụ giúp Báo Bình Thuận tận dụng triệt để các nguồn lực có sẵn, giám sát có hiệu quả quá trình tác nghiệp của từng phóng viên cũng như cả tòa soạn. Tin bài của phóng viên thể hiện ngày giờ cập nhật vào hệ thống, thể hiện quy trình các bước biên tập của tòa soạn.
Chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang tòa soạn điện tử
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt vai trò của báo chí cách mạng trong kỷ nguyên số, Báo Bình Thuận đã từng bước tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng tuyên truyền, đưa thông tin đến độc giả một cách nhanh chóng, chính xác, đa dạng. Báo đã đưa vào vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS), xây dựng giao diện Báo Bình Thuận điện tử. Hiện nay, tất cả các nội dung trên các ấn phẩm của Báo Bình Thuận đều được lan tỏa rộng rãi trên các hạ tầng mạng xã hội. Cùng với đó, Báo Bình Thuận đã xây dựng kho dữ liệu nội dung, đặc biệt là ảnh, video clip, từng bước thực hiện điều hành, xử lý, ra quyết định nhờ khai thác dữ liệu số. Từng bước thay đổi quy trình, chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang tòa soạn điện tử, mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, đem lại hiệu quả rõ rệt trong đổi mới quy trình xuất bản. Trên cơ sở chuyển đổi số báo chí truyền thông theo quy hoạch báo chí năm 2019 và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Báo Bình Thuận tiếp tục hoạt động vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến hiện nay, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số, cơ quan báo chí đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Theo đó, Báo Bình Thuận sẽ từng bước xây dựng tòa soạn theo hướng hội tụ công nghệ và nội dung. Phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện trên cơ sở phát triển các sản phẩm báo chí bằng nhiều phương tiện như viết, nghe, trực tuyến và có thể trải nghiệm qua nhiều hình thức trình diễn như nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, âm thanh trên một sản phẩm báo chí. Đồng thời, phát triển các dòng sản phẩm báo chí truyền thông dựa trên nền tảng số, công cụ số để hình thành báo chí số. Phát triển nội dung số, trong đó ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nội dung số và nâng cao chất lượng trải nghiệm của công chúng. Bên cạnh đó, Báo Bình Thuận còn phát triển kinh tế báo chí truyền thông theo hướng tự chủ của các cơ quan báo chí, đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí truyền thông vừa “hồng” vừa “chuyên”…
Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành trong tháng 4/2023, với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đây có thể coi là văn bản quan trọng hỗ trợ báo chí chuyển đổi số báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Tiếp đó, ngày 8/5/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Quyết định số 781/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược. Ngày 5/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố sự ra đời của trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; thông tin về bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và giới thiệu cổng kết nối trực tuyến công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.