Theo dõi trên

Bạo lực học đường: Phải chăng hình thức kỷ luật chưa đủ sức răn đe?

03/10/2022, 05:30

Vụ 5 học sinh tham gia đánh hội đồng 1 học sinh nữ lớp 7 cùng học tại Trường THCS Lương Sơn (Bắc Bình) mới đây, như 1 giọt nước tràn ly, báo động tình trạng bạo lực học đường không còn là chuyện hiếm, chỉ xảy ra ở thành thị, mà đã len sâu ở những vùng nông thôn, khiến dư luận rất bức xúc.

Cần kỷ luật nghiêm khắc

Năm học 2022 – 2023 chỉ mới bắt đầu, nhưng không riêng gì Bình Thuận, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ học sinh bị đánh hội đồng, gây xôn xao dư luận. Đa số những trường hợp này rơi vào học sinh khối THCS, THPT – lứa tuổi có tâm sinh lý thay đổi lớn, dẫn đến có những hành động thiếu suy nghĩ, nông cạn. Số lượng học sinh vô cảm, chứng kiến sự hành hung nhưng không can thiệp, ngăn cản cũng ngày càng nhiều. Thậm chí, có em còn dùng điện thoại quay lại chia sẻ lên mạng xã hội để câu like. Do đó, dù chỉ là vài xích mích nhỏ, hay đơn thuần “ghét cái thái độ”, mà những vụ đánh hội đồng tàn nhẫn có thể xảy ra. Những học sinh tham gia đánh nhau, thậm chí quay clip tung lên mạng, không nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, chỉ đơn thuần là “đánh cho hả giận”, “cho nó xấu hổ”, “chừa cái tật…”.

z3765709633413_78ccdbee02778597fb952b9580faf942.jpg
Dù chỉ là vài xích mích nhỏ, nhưng đánh hội đồng vẫn liên tục xảy ra trong học đường 

Sau sự việc em T. bị 5 em học sinh chở về nhà đánh, đấm vào mặt, vào người kèm những lời lẽ thô tục, không chỉ dùng tay, chân mà còn dùng nón bảo hiểm, nồi cơm điện nện vào người trong khi em la khóc, van xin. Chưa hết, nhóm học sinh này còn túm tóc, lột đồ… khiến Hội đồng kỷ luật Trường THCS Lương Sơn ra quyết định tạm đình chỉ học 1 năm 5 học sinh này, mới phần nào làm xoa dịu dư luận. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng nên đuổi học những học sinh này vĩnh viễn hoặc cho vào trường giáo dưỡng thì mới thích đáng.

Vào đầu tháng 8/2022, ở Hà Tĩnh cũng xảy ra vụ việc tương tự, điểm khác biệt là nữ sinh đánh bạn này (SN 2006) đã bị khởi tố về tội “làm nhục người khác” khi có hành động lột hết quần áo của nữ sinh khác giữa đường, đánh đấm, quay clip tung lên mạng xã hội. Việc khởi tố nữ sinh đã được người dân địa phương rất đồng tình, ủng hộ vì cho rằng đây là biện pháp nghiêm minh, đủ mạnh để góp phần chấm dứt bạo lực học đường.

z3757122605922_f1f2b62d374ff0e2327c4ed4ecc46f47.jpg
Bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng.

Bên tình… bên lý

Nếu những vụ bạo lực học đường chỉ đơn thuần được xử lý bằng những hình thức kỷ luật như viết kiểm điểm, tường trình, cho nghỉ học có thời hạn, hạ hạnh kiểm, xử phạt hành chính… trong khi việc xử lý hình sự với mức án nghiêm khắc vẫn còn quá hiếm hoi, thì tệ nạn này sẽ không hề thuyên giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Hầu hết, những vụ bạo lực học đường thường được nhà trường dàn xếp, thỏa thuận giữa 2 gia đình, nặng nhất là tạm đình chỉ học 1 – 2 tuần, 1 tháng để các em có cơ hội làm lại từ đầu, sửa sai.

Về vấn đề này, luật sư Đỗ Minh Trúc – Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Thiết - Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận cho biết, học sinh đánh nhau tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào tính chất mức độ, nhân thân, số lần bị xử lý hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020). Ngoài ra, nếu học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi đánh nhau bị kết tội cố ý gây thương tích có tính chất rất nghiêm trọng (có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn). Mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định là từ trên 7 - 15 năm tù; đến đặc biệt nghiêm trọng có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn. Mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật quy định đối với tội này là từ trên 15 - 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. “Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật đối với học sinh phải hướng đến mục đích tạo điều kiện cho các em nhận sai và sửa sai. Học sinh nào cũng có thể mắc sai lầm, nhất là ở độ tuổi chưa thành niên, việc thông cảm, tạo cơ hội cho các em học sinh vi phạm sửa sai là điều cần thiết”, luật sư Trúc nhấn mạnh thêm.

bao-luc.jpg
Phải chăng hình thức kỷ luật cao nhất hiện nay chưa đủ sức răn đe? (ảnh: internet)

Hiện nay, hầu hết các trường học đều xây dựng bộ quy tắc ứng xử, nội quy học đường, có những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, có cả giáo viên tâm lý… nhưng nạn bạo lực học đường vẫn xảy ra và mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Phải chăng hình thức kỷ luật cao nhất hiện nay chưa đủ sức răn đe? Việc phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội vẫn bị xem nhẹ? Những tiết học về đạo đức, kỹ năng sống còn quá khiêm tốn, chưa được chú trọng?

bao_luc_hoc_duong.jpg
Cần tăng nặng hình thức kỷ luật để bạo lực học đường không còn xảy ra (ảnh: nguồn internet)

Có thể thấy, đã đến lúc ngành giáo dục cũng như các cơ quan chức năng đánh giá lại mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường, mạnh dạn sửa đổi tăng nặng hình thức kỷ luật để những vụ đánh nhau đau lòng không còn xảy ra.

Một giáo viên dạy trường THCS ở TP. Phan Thiết chia sẻ: “So với Thông tư 12, Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ tháng 11/2020 đã bỏ hình thức xử lý, phê bình trước lớp, trước trường, cảnh cáo ghi học bạ, đuổi học 1 năm. Ai cũng biết với học trò, giáo dục phải lấy “đức trị” chứ không phải “pháp trị”. Tuy nhiên, học sinh bây giờ sợ nhất là đuổi học. Vì thế, nếu không có hình thức này, nhiều em sẽ không sợ các hình thức kỷ luật còn lại".

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sẽ tạm dừng học 1 năm đối với 5 học sinh tham gia đánh hội đồng
BTO-Mới đây, mạng xã hội lan truyền 2 clip quay lại cảnh 1 học sinh nữ bị 1 nhóm học sinh khác đánh hội đồng khá bức xúc. Sau khi tìm hiểu, được biết những học sinh này thuộc Trường THCS Lương Sơn (Bắc Bình).
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạo lực học đường: Phải chăng hình thức kỷ luật chưa đủ sức răn đe?