Theo dõi trên

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Chăm

30/07/2013, 14:36

BT- Bắc Bình là một trong những huyện có nhiều người Chăm sinh sống từ lâu đời. Người Chăm ở Bình Thuận nói chung, Bắc Bình nói riêng có một nền văn hóa nông nghiệp phát triển, họ sống chủ yếu bằng nghề nông.

Lễ hội Katê

Tuy nhiên, lịch sử đã đi qua hàng chục thế kỷ, những giá trị di tích văn hóa Chăm cũng bị thời gian làm mai một, thất lạc dần. Nếu không kịp thời bảo vệ và phát huy hệ thống các giá trị văn hóa lịch sử đó thì nguy cơ mất mát tiếp tục là điều có thể xảy ra. Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của đồng bào Chăm, ngày 14/5/2010 UBND tỉnh Bình Thuận đã ra Quyết định số 1045/ QĐ-UBND thành lập Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận gắn với chức năng, nhiệm vụ là sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm trên địa bàn Bắc Bình. Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm được xây dựng theo kiểu mô phỏng kiến trúc tháp Chăm, tọa lạc bên cạnh QL1A, thuộc địa phận xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết 65 km.

Các hiện vật được trưng bày tại trung tâm là bộ sưu tập Hoàng tộc Chăm thuộc dòng Vua Pô Klong Mơ Nai và Pô Nit vào giai đoạn thế kỷ 17, bao gồm tượng vua và hoàng hậu, bộ ấn kiếm và mũ vệ binh, đồ dùng cúng lễ trong hoàng cung như khay trầu, mâm lễ, lư đốt trầm… Đặc biệt, là bộ vương miện và búi tóc của nhà vua và hoàng hậu được làm bằng vàng với đường nét hoa văn chạm khắc rất độc đáo cùng những bộ trang phục áo bào của nhà vua, hoàng hậu, áo hoàng tử và công chúa dùng lúc ngự triều. Đây là bộ sưu tập (phiên bản) duy nhất còn lưu lại trong vương triều cuối cùng của Champa. Ngoài ra, trung tâm còn phục dựng nhiều loại hình văn hóa phi vật thể của người Chăm như nghề thủ công truyền thống gốm và dệt, loại hình sân khấu hóa lễ hội Katê và lễ hội đạp lửa đầu năm (Rija Inâgar) gắn với nghi thức hát lễ (của ông Kadhar) về ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh cầu. Thú vị hơn còn có văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Chăm như bánh gừng, sakay. Trong thời gian qua, trung tâm đã sưu tập được 124 hiện vật các loại có giá trị về niên đại lịch sử; có nhóm hiện vật chất liệu bằng đá xanh thuộc di tích Pô Klaong Ghul thế kỷ thứ 18, đầu tượng của hoàng hậu bị thất lạc trên 20 năm và tượng bia Kút Po Bia Pat Mâh, mẹ của vua Pô Klaong Mânai có chạm khắc hoa văn cổ rất độc đáo.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, trung tâm đón hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có trên 150 lượt khách nước ngoài. Trung tâm cũng vinh dự đón tiếp nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đoàn cấp cao Trung ương và tỉnh đến thăm. Có thể nói, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, bước đầu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống người Chăm tạo được sự phấn khởi trong cộng đồng các dân tộc trong huyện.

NguyỄn Thanh Hùng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Chăm