Đề án hướng tới mục tiêu giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Đồng thời, tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các địa phương.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện kiểm kê và cập nhật kiểm kê hàng năm nhằm đánh giá thực trạng sức sống các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc; có 60% di sản thuộc loại hình này được đưa vào danh mục quốc gia. Phấn đấu 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; 40% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng gắn với phát triển du lịch.
Giai đoạn 2026-2030, hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS. Có từ 70-80% các loại hình trên được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và được khai thác, xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; phấn đấu 100% thôn vùng đồng bào DTTS có đội văn nghệ, CLB truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng…