Theo dõi trên

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Chăm ở xã Phan Hiệp

15/05/2024, 05:16

Phan Hiệp là 1 trong 3 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm của huyện Bắc Bình hội tụ, lưu giữ nhiều nét đặc sắc văn hóa Chăm. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Chăm nơi đây luôn nhận được sự quan tâm của địa phương, của tỉnh đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.

Phan Hiệp có 3 thôn gồm Bình Tiến, Bình Đức và thôn Bình Hiếu. Xã có Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận do Bảo tàng tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, được xây dựng ở khu vực trung tâm xã. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa giữa địa phương với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều cách làm hay đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm trên địa bàn xã.

Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm ở xã Phan Hiệp.

Nhằm phát huy các giá trị lễ hội của đồng bào Chăm trên địa bàn xã, hàng năm Bảo tàng tỉnh, Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận phối hợp với địa phương tổ chức Lễ hội Katê tại Đền thờ Pô Anit và các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao và thăm hỏi, tặng quà. Đặc biệt, năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của Lễ hội Katê phục vụ sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào. Ngày 29/11/2022, “Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Ngay sau đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”, làm việc với xã Phan Hiệp và xây dựng mô hình “Điểm văn hóa du lịch làng nghề truyền thống nghề gốm Chăm Bình Đức”.

Làm gốm ở thôn Bình Đức.

Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế một số cơ sở sản xuất gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức đã thực hiện lắp đặt cổng chào đặt tại vị trí đầu đường vào của thôn Bình Đức và các bảng hiệu, kệ sắt trưng bày sản phẩm cho các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất gốm của thôn. Thời gian tới, Sở tập trung triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức. Khảo sát, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách giới thiệu nghề gốm truyền thống Bình Đức để bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch địa phương…

Nghệ nhân trình diễn làm gốm

Hiện nay, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Phan Hiệp. Trong năm 2023, Sở đã cùng với địa phương tổ chức các lớp truyền dạy hát ngâm Ariya của người Chăm, lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm vừa bảo tồn, làm giàu thêm đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần bà con... Song song đó, thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông qua tổ chức lớp tập huấn công tác gia đình và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cho cán bộ, công chức văn hóa - xã hội của xã. Cũng như, tuyên truyền các nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức tuyên truyền được đa dạng, lồng ghép, kết hợp với sân khấu hóa biểu diễn nghệ thuật, kịch, chiếu phim lưu động phục vụ cán bộ và người dân vào những dịp lễ, tết, lễ hội Katê của đồng bào Chăm trên địa bàn xã Phan Hiệp đã phát huy hiệu quả...

Với sự gắn kết giữa xã Phan Hiệp và ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh trong nhiều hoạt động, đặc biệt bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phong trào xây dựng nông thôn mới thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa xã hội xã thuần đồng bào Chăm nơi đây.

T.DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dạy tiếng Chăm để bảo tồn văn hóa. Bài 1
Bài 1: Cô giáo trẻ “nặng” lòng với nguồn cội
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Chăm ở xã Phan Hiệp