Theo dõi trên

Bảo vệ gắn với phát triển rừng bền vững

08/02/2017, 09:39

BT- Có thể nói năm 2016, ngành nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực trong bảo vệ gắn với phát triển rừng bền vững; các quy định, chính sách về lâm nghiệp được cụ thể hóa đã phát huy, tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác huy động nguồn lực trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh tăng lên 53,5% trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, bất lợi về thời tiết như nắng hạn kéo dài gay gắt.

                
Rừng “sạch” ở Hàm Thuận Nam là mô hình phát    triển rừng bền vững. Ảnh: Kiều Hằng

Với phương châm chỉ đạo bảo vệ rừng tận gốc, nhất là rừng đầu nguồn, phòng hộ, đặc dụng, vùng giáp ranh với các tỉnh, ngành chủ động xây dựng kế hoạch đi đôi với các giải pháp bảo vệ, trong đó phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ rừng và các cấp chính quyền địa phương, nhờ đó đã ngày càng hạn chế nạn phá rừng đầu nguồn, phòng hộ. Năm 2016 đã phát hiện, lập hồ sơ vi phạm 700 vụ, giảm 147 vụ so năm 2015. Đáng chú ý trong xử lý vi phạm đã ngày càng nghiêm minh, nhất là các vụ vi phạm chống người thi hành công vụ nhằm răn đe các đối tượng phá rừng. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tuy gặp khó khăn về công vụ, phương tiện chữa cháy, nhưng nhờ phát huy tính chủ động tại chỗ, phát hiện kịp thời qua tuần tra, kiểm soát nên năm 2016 xảy ra 39 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 79,2 ha đã kịp thời cứu chữa, hạn chế thiệt hại rừng.

Nhờ đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trồng rừng, huy động đa dạng các nguồn lực trồng rừng, năm 2016 là năm công tác trồng rừng tốt nhất từ trước đến nay, đã trồng được 4.021 ha, đạt 165% kế hoạch; trồng cây phân tán được 776 ha, đạt 104,8% kế hoạch. Con số diện tích trồng rừng đáng trân trọng hơn là trong điều kiện khô hạn, nắng nóng kéo dài. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng, giao khoán bảo vệ rừng tiếp tục phát huy hiệu quả, đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng được 135.968 ha, đạt 114,8% kế hoạch, trong đó giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số 86.392 ha.

Năm 2017, dự báo biến đổi khí hậu sẽ ngày càng tác động xấu nên công tác bảo vệ, trồng rừng tiếp tục gặp khó khăn. Để khắc phục nhằm bảo vệ, phát triển rừng bền vững, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lâm nghiệp, tham mưu UBND tỉnh xây dựng một số chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Trong đó cụ thể hóa các quy định, chính sách, tạo điều kiện cho người dân tại chỗ cải thiện, nâng cao thu nhập, đời sống. Huy động đa dạng các nguồn lực, các tổ chức quốc tế để tăng độ che phủ rừng nhất là khu vực rừng phòng hộ, rừng chống cát bay. Khuyến khích thực hiện thuê, nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp chăn nuôi, phát triển lâm sản ngoài gỗ. Trồng rừng sản xuất theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua giống, đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng gỗ; ưu tiên trồng rừng kinh tế với các loài cây gỗ lớn có mức độ gia tăng sinh khối nhanh, sản lượng khai thác cao, chu kỳ khai thác rút ngắn nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản ổn định, lâu dài.

P.Đ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhớ về tháng 4 lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ gắn với phát triển rừng bền vững