Theo dõi trên

Bảo vệ môi trường qua Nghị định 45: Phải xử phạt nghiêm để nâng cao nhận thức

31/07/2024, 05:06

Tình trạng xả rác sinh hoạt bừa bãi nơi công cộng là câu chuyện không mới lạ, dù cơ quan chức năng, địa phương nỗ lực tuyên truyền. Chế tài xử phạt cũng có, nhưng để nâng cao ý thức của người dân cần đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có tăng cường chế tài xử phạt.

Vấn đề nan giải

Xả rác, vứt rác bừa bãi không đúng quy định là hành vi và thói quen xấu, gây ô nhiễm môi trường sống, gây nguy hại cho sức khỏe con người. Ở dọc những con đường vùng ven TP. Phan Thiết hay nông thôn, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh dù có biển “Cấm đổ rác” nhưng rác vẫn nằm ngổn ngang dưới biển cấm, trên đường gây mất cảnh quan, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của cộng đồng. Thực trạng và hình ảnh đó cho thấy vẫn còn một bộ phận người dân với nếp nghĩ chỉ “sạch nhà mình” mà không quan tâm tới môi trường sống xung quanh, đến sự phát triển bền vững của địa phương.

z5678285118214_14161c750325871a4b029de16cb55960.jpg
Lực lượng vũ trang và Đoàn thanh niên thị xã La Gi tổ chức thu gom rác do hành vi vứt rác bừa bãi của một bộ phận người dân.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, các địa phương và ngành chức năng đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường không đúng quy định. Nhiều chương trình, giải pháp để người dân hành động vì một môi trường xanh sạch đẹp đã được diễn ra, mang lại nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi nhận thức, mỹ quan đô thị ở địa phương. Một số tuyến đường có cắm bảng cấm xả rác và lắp camera giám sát. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi người dân chưa thay đổi thói quen, còn xả rác bừa bãi, ảnh hưởng môi trường sống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến hành vi xả rác và đổ rác bừa bãi nơi công cộng có thể kể đến như: do thiếu ý thức và không nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, cứ thấy tiện tay là vứt rác bừa bãi. Một số khu vực, hệ thống thu gom rác chưa được phát triển hoặc hoạt động không hiệu quả, nhất là các khu dân cư ở các xã, đô thị ven biển…

z5678285735423_8f83868de135af6a08b4e6ec69296417.jpg

Chế tài chưa nghiêm

Vứt rác không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm mất mỹ quan đô thị, mặc dù đã có quy định, chế tài xử phạt cụ thể, nhưng lĩnh vực này vẫn chưa được triển khai quyết liệt mạnh mẽ, dẫn đến việc thay đổi thói quen và nhận thức của người dân còn chậm. Nhiều người cho rằng để thay đổi thói quen cần phải có chế tài mạnh qua việc xử phạt hành chính theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

Liên quan đến vấn đề xử phạt, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Bình Thuận tại buổi họp báo mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Trên địa bàn TP. Phan Thiết, trong năm 2024, UBND cấp xã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 3 trường hợp vứt rác thải không đúng nơi quy định. Trong đó phường Hàm Tiến xử phạt 2 trường hợp với tổng số tiền 3 triệu đồng; phường Phú Tài xử phạt 1 trường hợp với số tiền 750.000 đồng và đã tiến hành công khai người vi phạm trên các phương tiện truyền thông. Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn toàn tỉnh đối với hành vi vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường là chưa nhiều. Các cơ quan có thẩm quyền các cấp, đặc biệt ở cấp xã chưa kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời theo trách nhiệm của UBND cấp xã được quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND ngày 28/11/2016 của UBND tỉnh ban hành quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Thời gian đến, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tăng cường, nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường tại địa phương. Quản lý hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố và tổ chức tự quản về giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi và hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

Có thể nói thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh qua việc bỏ rác đúng nơi quy định không thể là ngày một ngày hai, tuy nhiên không phải không làm được. Ngoài công tác tuyên truyền giáo dục, thì việc chế tài xử phạt cũng sẽ giúp điều chỉnh hành vi lệch lạc qua việc vứt rác. Do vậy trong thời gian tới địa phương cùng cơ quan chức năng cần tăng cường xử phạt, kết hợp với truyền thông công khai danh tính để tăng tính răn đe nhằm góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

PHÚC SINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sao không quyết liệt xử phạt xả rác như phạt vi phạm giao thông?
1. Vừa qua, toàn tỉnh tiếp tục ra quân tổng vệ sinh môi trường hưởng ứng chủ đề “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” gắn với tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ môi trường qua Nghị định 45: Phải xử phạt nghiêm để nâng cao nhận thức