Theo dõi trên

Bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển

26/03/2019, 09:37

BT- Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và vùng bờ. Chúng là loại bò sát di cư, sống lâu năm, phát triển chậm và đạt đến tuổi trưởng thành trong khoảng từ 15 đến 50 năm, tùy thuộc vào từng loài và khu vực phân bố.

Vòng đời của rùa biển phụ thuộc nhiều vào sinh cảnh như: đất liền, ven bờ, đại dương nên khoảng cách giữa các thế hệ thường thưa, khiến việc quản lý loài này càng trở nên khó khăn. Ở Việt Nam chúng ta, rùa biển đã bị khai thác làm thức ăn, đồ trang sức tràn lan, các loại tàu thuyền đánh bắt bằng lưới kéo, lưới rê, lưới vây khiến ngư trường cạn kiệt, môi trường sinh thái biển bị ô nhiễm, hủy hoại nơi cư trú của rùa biển, đặc biệt là các thảm cỏ biển, rạn san hô. Các tác nhân khách quan khác là xói mòn bờ biển, sạt lở bãi đẻ do sự tàn phá của thiên tai…

Vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học nói chung, trong đó có bảo tồn rùa biển nói riêng ở nước ta đã được đề cập đến từ lâu. Không chỉ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nước ta còn tích cực tham gia các công ước quốc tế, biên bản thỏa thuận liên quan đến bảo tồn và quản lý rùa biển. Việc bảo vệ rùa biển không chỉ tác động tích cực đến các loài rùa biển mà còn tác động tới các hệ sinh thái mà chúng phụ thuộc, đồng thời góp phần bảo vệ nơi sinh sống và đa dạng sinh học của các loài sống cùng sinh cảnh. Từ năm 2003, nước ta đã hành động bảo tồn rùa biển nhằm bảo vệ, bảo tồn và quản lý loài rùa biển cũng như nơi sinh sống của chúng. Mục tiêu chiến lược bảo vệ rùa biển là giảm thiểu những tác động đối với rùa biển, từ đó thúc đẩy sự phục hồi của quần thể rùa biển trong tự nhiên. Đồng thời hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế hiểu rõ hơn về những hoạt động bảo tồn rùa biển đang tiến hành tại Việt Nam. Đối với Bình Thuận, có dự án Bảo tồn rùa biển và phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Tuy Phong). Dự án do chương trình phát triển của Liên hiệp quốc về chương trình tài trợ các dự án nhỏ của quỹ môi trường toàn cầu UNDP – GEF SGP tại Việt Nam. Khu vực đảo Hòn Cau là bãi đẻ của các loài rùa biển khi đến mùa sinh sản. Năm 2013, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã phát hiện 10 cá thể rùa biển lên khu vực đảo Hòn Cau sinh sản và đã bảo vệ thành công các ổ trứng, năm 2014 phát hiện 3 cá thể rùa biển lên đẻ trứng, năm 2015 có 10 cá thể lên bãi đẻ, năm 2016 có 13 cá thể rùa mẹ lên sinh sản tại đảo Hòn Cau, năm 2017 có 8 cá thể rùa mẹ với 687 trứng rùa và 490 trứng nở thành công… Khu vực đảo Hòn Cau là ngư trường truyền thống của bà con ngư dân vùng biển, mặc dù Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm khu vực bảo tồn nhưng vẫn còn một số đối tượng lén lút hoạt động đánh bắt hải sản tại khu vực, khi rùa đến mùa sinh sản thường bị mắc vào lưới của các đối tượng này. Dự án Bảo tồn rùa biển và phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau được triển khai từ năm 2016 đến năm 2018 với tổng kinh phí 1 tỷ 780 triệu đồng. Mục tiêu của dự án là ngăn chặn sự gia tăng và giảm thiểu các mối đe dọa đối với các bãi đẻ rùa biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau có sự tham gia của cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn vốn thiên nhiên cho phát triển du lịch sinh thái trong tương lai. Trong 2 năm thực hiện dự án, ý thức của người dân về bảo vệ rùa biển được nâng lên. Có 10 trường hợp người dân liên hệ với Khu bảo tồn biển Hòn Cau để thả rùa về biển.

 Tuy nhiên, để dự án tiếp tục hoạt động hiệu quả, phát triển du lịch sinh thái bền vững đòi hỏi phải có sự tham gia của cả cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Giảm thiểu các nguyên nhân gây tử vong cho rùa biển. Quản lý bãi đẻ và nơi ấp trứng, tăng cường số lượng các loài rùa biển tới đẻ trứng tại khu vực này, đảm bảo an toàn rùa mẹ và nâng cao tỷ lệ ấp nở trứng tại các bãi đẻ đã được xác định. Bảo vệ, quản lý và phục hồi nơi sinh sống của rùa biển. Bảo vệ loài rùa biển và nơi sinh sống của chúng tốt hơn, trong khi đó vẫn đảm bảo cho cộng đồng địa phương không bị tác động bất lợi về kinh tế do các hoạt động bảo vệ sự sống còn của rùa biển. Đặc biệt là phải tăng cường sự hiểu biết về sinh học, sinh thái học và các quần thể rùa biển thông qua giám sát, trao đổi thông tin. Đồng thời tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng về những mối đe dọa đối với rùa biển và nơi sinh sống của chúng, đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn tại địa phương…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển