Hơn lúc nào hết, cần cái “bắt tay” chặt chẽ giữa các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nhà nông thông qua các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả để mang lại giá trị kinh tế cao, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Tăng giá trị sản phẩm
Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ trái sầu riêng ở xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) là minh chứng cho thấy sự “bắt tay”, phối hợp sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn xã từ nhiều năm nay.
Chị Hoàng Thị Nam (thôn Đa Kim, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc) có vườn sầu riêng hơn 1 ha, sản lượng hàng năm ước đạt khoảng 20 tấn. Chị Nam cho biết, những năm gần đây vườn sầu riêng của gia đình đã được canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. “Công ty đã hướng dẫn cho chúng tôi quy trình sản xuất sạch, để sản phẩm được bán ra một cách dễ dàng. Ngoài ra, cứ vào vụ thu hoạch là công ty lại thu mua với giá cả ổn định, có ký hợp đồng trước đó. Nhờ vậy mà đời sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân rất ổn định”, chị Nam chia sẻ.
Cũng theo chị Nam khi sản phẩm đạt chất lượng, đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu từ đầu, thì đó sẽ là động lực để người nông dân đủ niềm tin tiếp tục đầu tư, áp dụng sản xuất hữu cơ vào sản xuất.
Công ty mà chị Nam đề cập ở trên là Công ty TNHH A Hùng, hoạt động trong lĩnh vực trồng và xuất khẩu trái sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Năm 2019, công ty chính thức đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để sơ chế sầu riêng cấp đông xuất khẩu. Bên cạnh vùng trồng sầu riêng của công ty, nhiều năm qua, doanh nghiệp này còn liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đa Mi mở rộng vùng nguyên liệu trồng sầu riêng an toàn đáp ứng nhu cầu nông sản sạch phục vụ xuất khẩu. Năng suất sầu riêng ở trang trại A Hùng và các hộ liên kết đạt mức 20 - 25 tấn mỗi hecta, trong đó, 20% xuất bán trái tươi, còn 80% sơ chế cấp đông xuất khẩu.
Theo anh Trương Việt Trung, quản lý Công ty TNHH A Hùng, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, 2019 là năm đầu tiên công ty đã xuất khẩu được gần 40 tấn sầu riêng cấp đông, đến năm 2020 tăng lên 130 tấn, năm 2021 cũng như 10 tháng của năm 2022 đã chạm đến con số 150 tấn, trong số này, thị trường Trung Quốc nhập khẩu chiếm 80 - 85%. “Liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã, chúng tôi đã hướng dẫn kỹ thuật và có hợp đồng thu mua từ trước, nhờ vậy luôn đáp ứng được các đơn hàng của đối tác”, anh Trung cho biết.
Không chỉ các doanh nghiệp, mà các HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh, cùng “bắt tay” với người nông dân để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như HTX nông nghiệp Công Thành Đức Linh đã thực hiện hợp đồng liên kết với người dân trên địa bàn trong việc sản xuất, tiêu thụ lúa hàng năm trên 2.000 ha. Cùng với đó, HTX đang đầu tư xây dựng nhà máy sấy, chế biến, kho bãi để mở rộng diện tích đầu tư liên kết sản xuất để đảm bảo nguyên liệu và đưa sản phẩm lúa, nếp lên một tầm cao mới đó là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm “Lúa - Nếp Cô Duyên” góp phần phát huy tính hiệu quả diện tích sản xuất lúa của huyện Đức Linh.
Để liên kết bền chặt
Trong thời gian qua, đã và đang xảy ra hàng loạt các vụ việc nông sản “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và tình trạng người nông dân bị ép giá tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại Bình Thuận nhiều nhà vườn đã và đang chặt bỏ cây thanh long để chuyển sang trồng loại cây trồng khác khi thị trường Trung Quốc không còn tiêu thụ mạnh như trước… Hay cách đây một năm, dịch Covid – 19, khiến bà con trồng nhãn xuồng ở xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân) gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp đã đứng ra hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản lượng lớn nhãn. Người dân trồng nhãn lúc bấy giờ như được tiếp thêm động lực để tiếp tục canh tác.
Tuy nhiên, để tránh những trường hợp nêu trên, hơn lúc nào hết, cần thắt chặt hơn những cái “bắt tay” giữa những hợp tác xã, doanh nghiệp và người nông dân, giữa cung và cầu để bình ổn thị trường. Vậy làm thế nào để mối liên kết này được bền chặt, thông suốt? Đây là bài toán khó, thế nhưng vẫn cần phải có đích đến.
Trên thực tế, những năm qua, các cơ quan, sở ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động định hướng, quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường nhằm giảm thiểu tình trạng “được mùa mất giá” và đạt hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh, địa phương này rất tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp để cùng hỗ trợ, hợp tác, kết nối với các HTX có ngành nghề phù hợp cùng tham gia thực hiện các công đoạn trong chuỗi liên kết sản xuất để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất của HTX và giúp người dân địa phương tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tham mưu, đề xuất với UBND huyện cấp có thẩm quyền quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các HTX được tiếp cận các chính sách liên quan khác, như: Vốn, đất đai, khoa học - công nghệ… trong quá trình đầu tư phát triển của HTX. Lồng ghép các nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ, sự nghiệp nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông thực hiện các mô hình gắn với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX… Các đơn vị, địa phương cũng đã tìm các doanh nghiệp tiềm năng cùng phối hợp với nông dân trên địa bàn thực hiện các chuỗi liên kết hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn yếu và thiếu.
Có thể nói, nông dân của những năm trước đây “đèn nhà ai nấy sáng, đất nhà ai nấy làm”. Bởi vậy, đã hình thành nên một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Muốn vượt qua được, phải mở rộng quy mô sản xuất. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì phải biết hợp tác cùng nhau. Hơn lúc nào hết, cần những cái “bắt tay” thật chặt giữa doanh nghiệp, HTX và nhà nông, đây có thể chính là “lời giải” của bài toán tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản.