Theo dõi trên

Bệnh Covid-19 là bệnh nghề nghiệp

15/02/2023, 05:54

Vi rút Covid-19 liên tục biến đổi phức tạp nên việc phòng chống dịch Covid-19 có xu hướng khó dự báo.

Liệu có tiêm nhắc hàng năm?

So với giai đoạn đầu và đỉnh điểm của dịch Covid-19 của các năm trước, tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở nhiều nơi đang ở tình thế tốt hơn, có nhiều thay đổi đáng kể, nhờ vào các biện pháp đeo khẩu trang nơi công cộng, tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 và các phương pháp điều trị. Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 đang được kiểm soát trên cả nước. Số ca mắc rất thấp, không có ca tử vong sau tết đến nay, dù mật độ, tầng suất sự giao lưu, gặp gỡ trong những ngày nghỉ tết khá cao. Tại Bình Thuận, nếu tháng 1/2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 ca mắc Covid-19, không có ca tử vong, thì đến tháng 2/2023 toàn tỉnh chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19. Đánh giá của Sở Y tế tỉnh là tình hình dịch Covid-19 trong thời gian trước, trong và sau tết được kiểm soát chặt.

tiem-covid.jpg
Tiêm vắc xin phòng Covid-19

Tuy nhiên, Covid-19 hiện nay liên tục biến đổi thành biến chủng, biến thể mới khá phức tạp. Các biến thể mới được ghi nhận liên tục gần đây ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Trong đó, biến thể XBB có khả năng tránh miễn dịch, lây lan rất nhanh và xuất hiện 70 quốc gia. Điều này cho thấy Covid-19 chưa ổn định, việc phòng chống dịch Covid-19 vẫn còn nhiều khó khăn, xu hướng khó dự báo trước các biến thể mới, sự miễn dịch giảm theo thời gian. Câu chuyện vắc xin phòng Covid-19 thời gian qua minh chứng rằng vắc xin phòng Covid-19 giúp giảm thiểu gánh nặng quá tải cho ngành y tế, kinh tế xã hội, giảm tỷ lệ nhiễm, ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong. Trong đó, các mũi nhắc gồm mũi 3, mũi 4 đã góp phần củng cố miễn dịch trước các biến thể mới. Đó là nhận định và phân tích của Bộ Y tế.

Từ đây, dư luận xã hội đang đặt ra câu hỏi: Sau khi tiêm đủ mũi nhắc (đủ mũi 4), liệu người dân có tiêm mũi 5, hoặc tiêm nhắc vào hàng năm để ứng phó trước sự thay đổi liên tục các biến thể mới, miễn dịch từ vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian?

Mắc Covid-19 được xác định bệnh nghề nghiệp

Trước những biến thể mới và sự diễn biến khó lường, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế của các tỉnh, thành, bệnh viện tăng cường phát hiện thu dung, quản lý điều trị ca bệnh Covid-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Rà soát trang thiết bị, cơ số thuốc, oxy sẵn sàng đáp ứng nhu cầu điều trị khi cần thiết. Tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế. Riêng các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn với người bệnh chuyển viện. Với các ca bệnh nặng, bệnh nghi ngờ Covid-19 nằm điều trị tại các bệnh viện, khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán tránh bỏ sót ca bệnh làm dịch bệnh lan rộng.

Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, với danh mục 35 bệnh nghề nghiệp, trong đó có bệnh Covid-19 nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/4/2023.

Trong đó, người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2. Đó là người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Cụ thể, người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà. Người vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19. Người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19. Người giám sát, điều tra, xác minh dịch Covid-19. Nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng. Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an. Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Theo Thông tư 02 này, người làm nghề, công việc như trên được chẩn đoán xác định mắc bệnh Covid-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành. Thời gian khám xác định di chứng được quy định sau tối thiểu 6 tháng kể từ khi mắc bệnh Covid-19 và được điều trị ổn định. Trường hợp không điều trị ổn định được thực hiện theo quy định hiện hành.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phòng, chống dịch Covid-19: Hơn 11 tỷ đồng cho phụ cấp đặc thù, chi phí khác
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định về kinh phí phụ cấp đặc thù và các chi phí khác phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế dựa trên kinh phí đã được giao dự toán năm 2021 chuyển sang năm 2022.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh Covid-19 là bệnh nghề nghiệp