Theo dõi trên

Dai dẳng tảo hôn ở Phan Sơn

14/02/2023, 05:37

“Dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhưng thời gian qua, số trường hợp tảo hôn vẫn còn cao. Những cô gái ở ngưỡng tuổi 17 đã làm mẹ, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của chính họ và xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi”. Đó là lời bộc bạch của chị K’ Thị Diệp – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Sơn (Bắc Bình) khi nói về câu chuyện tảo hôn ở xã đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) này.

Gian nan trong tuyên truyền, vận động

Trong lúc chờ xác nhận vay vốn ngân hàng cho hộ nghèo, dưới hàng ghế là các phụ nữ còn rất trẻ, cột theo những đứa trẻ trước bụng mình.

Chúng tôi bị một đứa trẻ lên 3 “đánh thức”, khi nó cùng một đứa trẻ khác chơi đùa, vấp ngã. Thằng bé đen nhẻm, mặt lấm lem mũi, chừng 15 kg, chỉ bằng một cậu bé lên 2. Đó là con của Hiếu, người mẹ mới 20 tuổi và đang mang bầu đứa thứ 2. Hiếu nghỉ học từ năm lớp 8, ở nhà phụ cha mẹ làm rẫy. Cũng như bao cô gái trong làng, 16 tuổi có người hỏi thì cha mẹ cho lấy chồng. Chồng Hiếu hơn vợ vài tuổi. Chỉ biết bám víu mấy sào ruộng, trồng bắp, hết mùa thì lên rừng. Hỏi thêm chuyện gia đình, Hiếu bẽn lẽn ngại trả lời.

1c2339a6-e4f4-4ce0-bb79-6ce8ccb1c711.jpeg
Chị Lê Thị Xuyên (thôn Tà Moon) 42 tuổi đã có cháu nội. (Ảnh minh họa)

Hình ảnh cô thiếu nữ tuổi 20, luộm thuộm với một nách con và bụng bầu đã gần vượt mặt cứ ám ảnh tôi. Tuổi ấy đáng nhẽ ra còn trên giảng đường, còn son phấn, váy áo, vậy mà em giờ lui cui dưới góc bếp, mếu máo cùng con thơ.

Chị K’Thị Diệp – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phan Sơn cho biết: Công tác tuyên truyền được phổ biến xuống 4 thôn, bằng cả hình thức sinh hoạt và tới tận nhà. Nhất là khi nghe thông tin đôi trẻ đó đưa nhau về ra mắt gia đình chúng tôi đã tới nói chuyện, tuy nhiên họ cho rằng, chúng đã yêu nhau, muốn sống với nhau thì không nên cấm cản quy luật đó. Có người lý lẽ, thế hệ cha mẹ, ông bà chúng lấy chồng sớm sinh ra tụi nó vẫn khỏe mạnh, bình thường có sao đâu. Bởi vậy số tảo hôn ở xã vẫn còn cao, riêng năm 2022 là 20 trường hợp.

Ông Lê Ngọc Mai – Trưởng thôn Bon Thớp là một trong những người thường xuyên phải đi tuyên truyền, ngăn chặn nạn tảo hôn ở thôn chia sẻ: “Ở đây dân làm nương, làm rẫy thôi, nghèo lắm. Nghèo mà lại lấy chồng sớm nên cực khổ và con cái học không đến nơi đến chốn. Cứ họp là nói thường xuyên, vậy mà năm vừa rồi trong thôn vẫn có 2 trường hợp xảy ra”.

Sẽ xử phạt theo quy định pháp luật

Bà Nguyễn Thụy Phú – Phó Bí thư Đảng ủy xã Phan Sơn thừa nhận, thời gian qua dù cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Phan Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền như cung cấp, trao đổi với bà con về hệ lụy của tảo hôn, các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm tảo hôn, Luật Bình đẳng giới, phân biệt giới và giới tính, vai trò của giới… Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn xảy ra, đây là nỗi trăn trở của cán bộ địa phương. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong ĐBDTTS còn hạn chế. Nhiều em sau khi học hết THCS không học tiếp mà ở nhà làm nương rẫy. Một số đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng rồi tự tìm hiểu, quen biết, sống chung như vợ chồng và có thai trước mới trở về.

Bà Phú khẳng định: Để chuyển đổi hành vi trong hôn nhân gia đình, từng bước giảm thiểu và đi đến đẩy lùi nạn tảo hôn, từ năm 2023, địa phương sẽ mạnh tay xử phạt, nêu tên các trường hợp vi phạm tảo hôn, chứ không đơn thuần là tuyên truyền nữa. Song song đó có hình thức tuyên dương các hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt, tuân thủ quy định pháp luật hôn nhân và gia đình. Phát huy vai trò của các trưởng thôn, người uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thiếu niên về hậu quả, tác hại của tảo hôn. Lồng ghép nội dung chống tảo hôn vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa của cộng đồng và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Dự kiến trong quý I/2023, Hội LHPN xã sẽ xây dựng các thông điệp tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về phòng, chống tảo hôn. Không chỉ tác động với những người lớn trong gia đình mà Hội sẽ nói chuyện với cả thanh, thiếu niên trước khi đi làm ăn xa. Vì với cách này, ở xã Phan Lâm kề bên năm qua chỉ còn 4 trường hợp tảo hôn.

Tảo hôn để lại hậu quả rất nguy hiểm. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật tạo ra gánh nặng cho xã hội. Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp. Cái vòng tròn luẩn quẩn đói nghèo, bệnh tật, thất học cứ bủa vây xung quanh họ.

THỤC ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giảm hẳn tảo hôn ở Đông Giang
BT- Với mục tiêu đẩy lùi tình trạng tảo hôn, từ nhiều năm nay xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, từng bước nâng cao nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dai dẳng tảo hôn ở Phan Sơn