“Kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Bố mẹ chưa có kiến thức nuôi dạy con. Cơ thể chưa phát triển đến độ hoàn thiện, về thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái do chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn đến các di chứng bệnh tật. Và, có lấy nhau về không được đăng ký kết hôn, sau này cũng không đăng ký khai sinh cho con được…”. Đó là những lời tâm sự mà chị Hoàng Thị Gương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phan Điền vẫn thường nhắn gửi tới hơn 400 hội viên của mình mỗi khi tới kỳ sinh hoạt Hội hay cho dù có gặp nhau ở ngoài đồng ruộng.
Chị phân trần: Phan Điền chỉ có 2 thôn, với 374 hộ/1.428 khẩu, trong đó hơn 90% là người đồng bào Rắc – lây. Đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp, nên còn rất nhiều khó khăn. Theo tiêu chí mới, toàn xã còn 62 hộ nghèo và 205 hộ cận nghèo. Nếu không nâng cao nhận thức, trong đó phụ nữ là người góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, thì đời sống của bà con càng khổ cực dài. Vì thế, trong các buổi sinh hoạt chi hội và cùng với cán bộ phụ trách dân số, Hội Phụ nữ thường xuyên tuyên truyền cho chị em các kiến thức của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, hệ lụy của việc tảo hôn, sinh con thứ 3, kỹ năng sống, an toàn cho phụ nữ và trẻ em, phòng chống mua bán người...
“Mưa dầm thấm lâu”. Cũng từ những buổi tuyên truyền, tư vấn và vào cuộc kịp thời của các tổ chức chính trị - xã hội mà nhận thức của bà con nơi đây dần thay đổi. Ông Mai Duy Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Phan Điền (Bắc Bình) cho biết: Trước đây, người dân chưa hiểu biết pháp luật, mỗi năm đều có từ 3 - 4 trường hợp tảo hôn, chủ yếu là nữ giới ở độ tuổi 17. Nhưng từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ tảo hôn giảm và năm 2022 không có trường hợp nào.
Hiện nay, giới trẻ ở địa phương được sử dụng điện thoại thông minh và tiếp cận với mạng xã hội ngày càng nhiều, nếu không được định hướng và phổ biến pháp luật sẽ rất dễ lại rơi vào tảo hôn. Vì vậy, ông Mai Duy Quốc cho biết: Xã Phan Điền xác định tuyên truyền vẫn là yếu tố quan trọng để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trên lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó đặc biệt quan tâm phổ biến, giáo dục kỹ năng sống cho đối tượng là thanh niên, học sinh. Cùng với đó, hàng năm xã sẽ phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đồng thời lựa chọn hình thức tuyên truyền gần gũi, gắn với những tình huống phát sinh trong đời sống hàng ngày, phù hợp với tập quán, văn hóa địa phương. Nâng cao vai trò của các hội, đoàn thể, người có uy tín thực hiện công tác dân số và giáo dục giới tính. Đề nghị các trường học tăng cường giáo dục về hậu quả, tác hại của tảo hôn, thường xuyên tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn. Cũng như đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh thiếu niên bước vào tuổi lao động phù hợp yêu cầu phát triển của huyện, tạo việc làm, nghề nghiệp ổn định cuộc sống.