Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin dự phòng, do đó cần quan tâm các biện pháp phòng ngừa như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, khử trùng thường xuyên các đồ vật mà trẻ hay chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa...
Trước tình hình bệnh gia tăng, diễn biến phức tạp, ngành y tế Bình Thuận đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, đồng thời phối hợp với ngành Giáo dục hướng dẫn giáo viên, học sinh thực hiện các biện pháp rửa tay, giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh nền nhà, đồ chơi, vệ sinh, khử trùng phòng học, đặc biệt tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình…
Ngoài ra, ngành Y tế cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh. Khi thấy trẻ quấy khóc, biếng ăn, giật mình lúc ngủ, kết hợp với các biểu hiện sốt, nổi bọng nước thì phụ huynh cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế để khám và điều trị theo từng mức độ bệnh, không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà để tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đình Hòa