Ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển ấn tượng
Mở đầu bài phát biểu, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Bình Thuận bước vào năm 2023 với nhiều thời cơ, thuận lợi, động lực để phát triển. Đó là sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương với những chuyến thăm, làm việc, định hướng chỉ đạo rất sâu sắc, toàn diện. Thời cơ khi tuyến cao tốc Bắc - Nam Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào sử dụng, giúp thời gian đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa từ các nơi đến Bình Thuận, nhất là từ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ngược lại được rút ngắn, thuận lợi hơn nhiều…
Bên cạnh, tỉnh có sáng kiến đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với hơn 70 hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, mới lạ, giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển ấn tượng. Song song, nhiều nhà đầu tư lớn nhận thấy rõ hơn tiềm năng, triển vọng phát triển của Bình Thuận, trở thành địa bàn đầu tư hấp dẫn.
Một số điểm sáng nổi bật như: 3 lĩnh vực được xác định là trụ cột kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng, trong đó du lịch tăng trưởng cao nhất với tổng số du khách 8,35 triệu (tăng 46%), doanh thu đạt hơn 22,3 ngàn tỷ đồng (tăng 63%), là một trong số 10 tỉnh, thành phố có tổng lượt du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Tăng trưởng GRDP đạt 8,1%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành và 4/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội tồn đọng nhiều năm, ở nhiều lĩnh vực đang từng bước được tháo gỡ.
Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục được nâng lên, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; thu nhập bình quân đầu người tăng 5,1% so với năm 2022. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững…
Vẫn còn tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những tác động từ yếu tố bên ngoài như khủng hoảng kinh tế thế giới, giá cả, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản khó khăn… Yếu tố bên trong như tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, dẫn đến công việc chậm trễ. Một số vấn đề bất cập, vướng mắc và cả những sai phạm được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra, điều tra trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến nay chưa có giải pháp tháo gỡ, xử lý. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội phải “nằm chờ”, không được triển khai, làm lãng phí các nguồn lực xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, tốc độ tăng thu ngân sách chưa cao, một số nguồn thu thấp hơn dự toán. Dù quy mô kinh tế hơn 100.000 tỷ đồng nhưng huy động GRDP vào thu ngân sách còn thấp (khoảng 8,1%), trong khi cả nước 15,7%. Tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm vẫn còn chậm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 11/2023 chỉ đạt 64,41% kế hoạch; hỗ trợ, tái định cư và triển khai các dự án vẫn chưa được tháo gỡ. Tình trạng lấn chiếm đất công, đất dự án, khai thác khoáng sản trái phép có nơi còn diễn biến phức tạp nhưng ngăn chặn chưa hiệu quả dẫn đến nhân dân nghi ngờ có sự “bao che”, “chống lưng” của một số cán bộ. Tình trạng xây dựng trái phép, xả rác gây ảnh hưởng môi trường còn diễn ra ở nhiều nơi.
Ngoài ra, vẫn còn hạn chế, yếu kém về cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong thủ tục về đất đai, đầu tư, mua sắm công. Đối với đại biểu HĐND tỉnh, qua tiếp xúc cử tri có hứa thực hiện hoặc hứa chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng cũng có trường hợp quên, hoặc có chuyển nhưng còn hình thức, chưa đeo bám giám sát, theo dõi…
Tiếp tục phát triển đồng đều 3 trụ cột kinh tế
Theo Bí thư Tỉnh ủy, năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn, do vậy các đại biểu HĐND tỉnh cùng bàn, thảo luận các biện pháp, giải pháp tập trung khắc phục khó khăn, hạn chế, phát huy tiềm năng, nội lực, cơ hội mới để tiếp tục phát triển đồng đều 3 trụ cột kinh tế: công nghiệp - du lịch - nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội…
UBND tỉnh và các địa phương, sở, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần nỗ lực làm việc bằng cả trách nhiệm và tình cảm, có tâm và tầm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, lãnh đạo tỉnh đề nghị trong chương trình công tác năm 2024, HĐND tỉnh cần tiếp tục phát huy hơn nữa công tác giám sát kết quả khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm còn tồn đọng, kéo dài qua nhiều năm. Thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là ở những vị trí thường xuyên tiếp xúc, trực tiếp giải quyết các kiến nghị, đề xuất của người dân, doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, tiếp thu, nêu cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp để giải quyết có kết quả các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân. Thường trực HĐND tỉnh, các ban, các Tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND tỉnh chú ý nhiều hơn việc giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri của các cơ quan nhà nước các cấp; kịp thời nêu ý kiến phê bình, chấn chỉnh đối với các trường hợp chậm trễ, để kéo dài hoặc đùn đẩy trách nhiệm…