Theo dõi trên

Biến cái khắc nghiệt thành lợi thế

01/04/2022, 05:30 - Lượt đọc: 3,564

30 năm trước, vào ngày 1/4/1992, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận được chia tách ra từ tỉnh Thuận Hải, đã chính thức đi vào hoạt động. Kỷ niệm 3 thập kỷ tái lập tỉnh, cả Ninh Thuận và Bình Thuận có một điểm chung đó là đang biến cái “đặc sản” nắng và gió thành lợi thế phát triển của mình. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt không kìm hãm được khát vọng vươn lên của người dân mảnh đất cực Nam Trung bộ.

Ninh Thuận đang từng bước trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Nhiều vùng đất khô hạn, hoang hóa và nghèo khó đã trở thành cánh đồng điện gió, điện mặt trời tầm cỡ, qua đó tạo sinh kế, việc làm và nâng cao đời sống nhân dân. Cái khắc nghiệt “gió như phang, nắng như rang” nay đã biến thành lợi thế lớn cho Ninh Thuận.

“Đặc sản” nắng, gió cũng giúp Ninh Thuận phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương như: nho, táo, hành, tỏi, măng tây, cừu… giúp nông dân làm giàu.

Đặc biệt, du lịch với nhiều dự án tầm cỡ hàng tỷ đô la đang triển khai sẽ là mũi đột phá của Ninh Thuận. Những năm qua Ninh Thuận đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, “sếu đầu đàn” về đầu tư, tạo ra bước tăng trưởng du lịch nhanh. Trong 5 năm 2015-2020, Ninh Thuận thu hút được 10 triệu lượt khách. Hiện Ninh Thuận đang triển khai quy hoạch khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, kéo dài từ Bình Tiên đến Cà Ná, diện tích 35.000 ha.

Cùng một xuất phát điểm thiếu mưa thừa nắng và khô hạn nhất nhì cả nước như Ninh Thuận, 30 năm trước, khi tái lập tỉnh, Bình Thuận chỉ được biết đến là một ngư trường lớn, có sản phẩm nước mắm Phan Thiết nổi tiếng. Lúc ấy cơ sở vật chất du lịch hầu như chưa có gì, thương hiệu “Mũi Né” thì chẳng mấy du khách biết đến. Cây thanh long cũng mới manh nha phát triển.

Ngày nay, Mũi Né đã được coi là “thủ đô resort” của cả nước, du lịch Bình Thuận đã nổi tiếng với slogan “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Bình Thuận còn được coi là “vương quốc thanh long” chiếm một nửa diện tích và sản lượng thanh long của cả nước. Đặc biệt cũng như Ninh Thuận, Bình Thuận đang tận dụng tối đa tiềm năng nắng, gió sẵn có trời cho để phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Tỉnh đang trở thành một trung tâm năng lượng lớn của quốc gia, với các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí, trung tâm thủy điện, hàng trăm dự án sản xuất điện gió, điện mặt trời, trong đó có những dự án điện gió ngoài khơi hàng tỷ USD đang triển khai.

doi-cat-1-1-.jpg

Nhiều trang trại điện gió, điện mặt trời đang mọc lên trên những đồi cát khô cằn, nắng cháy. Những bãi biển hoang sơ, lộng gió ngày nào đang trở thành những điểm đến du lịch nổi tiếng, nhộn nhịp, với nhiều khu du lịch đẳng cấp đang xây dựng. Bờ biển dài và đẹp, ít bão, nhiều nắng, gió của Bình Thuận rất thích hợp để phát triển các môn thể thao biển sử dụng sức gió như lướt ván diều, lướt ván buồm, đua thuyền buồm để hình thành trung tâm thể thao biển trong tương lai. Đường cao tốc, sân bay đang xây dựng sẽ giúp khu du lịch quốc gia Mũi Né cất cánh, trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030. Có thể thấy, sau 30 năm tái lập tỉnh, cùng với duy trì, phát triển những ngành nghề truyền thống, cả Ninh Thuận và Bình Thuận đều đang lựa chọn du lịch và năng lượng tái tạo là mũi đột phá của mình.

Tin rằng, với việc lựa chọn được lối đi khác biệt, có thể biến những cái khắc nghiệt, thành lợi thế phát triển, cả Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ còn tiến xa.

ĐẶNG DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất
Từ sau tết, giá dầu liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn tới hoạt động khai thác hải sản của ngư dân cả nước. Hàng loạt tàu cá của ngư dân Bình Thuận cũng phải nằm bờ, không dám vươn khơi, lao động thất nghiệp.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến cái khắc nghiệt thành lợi thế