Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tuấn Phong cho biết, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã quan tâm, đầu tư và mong muốn đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tháng 10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bình Thuận đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh. Đồng thời quyết tâm xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Bình Thuận có tiềm năng về phát triển du lịch, được du khách biết đến như một thiên đường nghỉ dưỡng. Hiện nay, thương hiệu du lịch Bình Thuận ngày càng được khẳng định sau khi tổ chức thành công các sự kiện lớn mang tầm quốc tế như: Giải lướt ván buồm Cúp thế giới PWA, Festival thuyền buồm quốc tế và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Việt Nam…
Cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh Bình Thuận đã được đầu tư và phát triển mạnh, hiện toàn tỉnh có 594 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số 17.587 phòng; nhiều dự án du lịch quy mô lớn như: SEA Links Beach Hotel, Anantara MuiNe beach Resort, Novaworld Phan Thiết… Cùng với đó, tỉnh cũng đang tập trung phát triển nhiều dự án hạ tầng, kết nối giao thông trọng điểm, tạo thuận lợi cho khách du lịch đến với địa phương… Từ các điều kiện thực tế, tỉnh Bình Thuận có thể đáp ứng đủ các điều kiện để tổ chức Năm Du lịch Quốc gia vào năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du lịch đồng ý để Bình Thuận đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023.
Sau khi nghe các ý kiến đại biểu dự họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư của tỉnh Bình Thuận dành cho ngành du lịch trong thời gian qua, địa phương đã nhận thấy được tiềm năng, lợi thế khi đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý để tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023. Để tổ chức thành công và thông qua sự kiện lớn này của ngành du lịch có thể thúc đẩy được tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bình Thuận cần thiết kế lại Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia theo hướng “đúng sức, đúng tầm”. Theo đó, khi xây dựng Đề án cần phải dựa vào thực tiễn về tiềm năng, tiềm lực của địa phương. Các sự kiện cần đi vào trọng tâm, trọng điểm và phải mang tầm quốc gia. Đặc biệt, các sự kiện về văn hóa, thể thao và du lịch phải có sự kết nối với nhau, không độc lập, cái này là tiền đề cho cái khác, có tính liên vùng, không đơn thuần chỉ phát huy thế mạnh của địa phương mà phải làm toát lên được cái chung của vùng duyên hải miền Trung, gắn với đầu tàu là thành phố Hồ Chí Minh để tạo tính lan tỏa.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận cần lượng hóa được các sự kiện sẽ tổ chức trong Năm Du lịch quốc gia để chủ động các phương án. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc tổ chức sự kiện lớn này. Ngoài ra, trên cơ sở thế mạnh của địa phương, tỉnh cần định vị và làm mới hơn các sản phẩm du lịch. Từ đó đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư để phát triển các thế mạnh du lịch trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trước mắt tỉnh cần thành lập Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 để lên phương án, lộ trình thực hiện cụ thể, bài bản vì còn rất nhiều việc phải làm và đây mới chỉ là một trong những bước đầu tiên. Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Du lịch xem xét, rà soát nguồn lực để hỗ trợ cho tỉnh Bình Thuận trong quá trình chuẩn bị, tổ chức sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023.