Về phía tỉnh, dự làm việc có các đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
5 năm qua, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền được Bình Thuận thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả. Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỉnh đã sắp xếp, giảm 49 đơn vị trường học, đến nay tỉnh còn 539 trường công lập. Trên lĩnh vực y tế, tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện việc sắp xếp, tinh giản đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực khoa học, truyền thông, thể thao và du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn…
Tại buổi làm việc, các sở, ngành cũng nêu nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện Nghị quyết số 19, nhất là vướng mắc về cơ cấu tổ chức, biên chế, chính sách sau khi đơn vị được tổ chức lại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiến nghị Trung ương sớm ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế giá dịch vụ, định mức số lượng người làm việc thuộc các ngành, lĩnh vực để thực hiện xây dựng lộ trình tự chủ tài chính và rà soát, sắp xếp lại theo đúng quy định. Ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích các đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, theo cơ chế thị trường để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, nhất là nhóm ngành giáo dục - đào tạo, y tế.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Bình Thuận trong thực hiện Nghị quyết số 19. Nghị quyết này được Bình Thuận triển khai quyết liệt, thận trọng, khoa học; việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được thực hiện hiệu quả, chất lượng được nâng lên. Đồng tình với kiến nghị của Bình Thuận, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết sẽ tiếp thu, đề xuất các bộ, ban, ngành liên quan giải quyết, tham mưu sửa đổi cho phù hợp.
Thời gian tới, phải tiếp tục thực hiện các mục tiêu được xác định trong Nghị quyết 19, nhưng không chỉ đơn thuần là việc giảm người, tổ chức, giảm chi mà quan trọng nhất là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ công, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với tổ chức, bộ máy, hệ thống chính trị.
Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức và người làm việc theo hướng đẩy mạnh phân công, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, thanh tra chặt chẽ, quyết liệt. Tiếp tục thực hiện chỉ tiêu của Nghị quyết 19 nhưng không “cào bằng”, việc tinh giản phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng đơn vụ, địa phương trong từng giai đoạn cụ thể…