Từ đầu tháng 5 đến nay, nắng nóng kỷ lục diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, làm trầm trọng thêm tình hình thiếu điện. Báo chí phản ánh nhiều về sự bất tiện, nỗi khổ của người dân và doanh nghiệp do bị luân phiên cắt điện. Cùng với kêu gọi toàn dân chia sẻ, đồng cảm và tiết kiệm điện, Chính phủ, Bộ Công Thương đang chỉ đạo phải cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện; cân đối đủ dầu, khí cho các nhà máy điện; nhanh chóng hoàn tất thủ tục mua điện với các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời để phát lên lưới; nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc…
Trong tình hình đó, Quy hoạch điện 8 (Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến 2050) vừa được Chính phủ phê duyệt là một tin vui. Đặc biệt cùng với lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo, nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ từ 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và có thể lên tới 70% vào năm 2050. Việt Nam được coi là một “cường quốc” về điện gió, điện mặt trời, nhưng đến giờ tỷ trọng điện tái tạo mới chiếm khoảng 26%. Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030 điện gió trên bờ đạt tới 21.880 MW, điện gió ngoài khơi 6.000 MW, điện mặt trời 12.836 MW… Việt Nam còn phấn đấu đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Đối với một vùng biển thừa nắng, thừa gió như Bình Thuận, tiềm năng về bức xạ mặt trời và năng lượng gió, nhất là điện gió ngoài khơi chưa khai thác được bao nhiêu, thì Quy hoạch điện 8 đã mở ra một cơ hội lớn. Bờ biển dài, tốc độ gió cao và ổn định, tiềm năng điện gió ngoài khơi Bình Thuận đã lọt vào mắt xanh các nhà đầu tư nước ngoài. UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn hàng đầu của các quốc gia đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi. Hiện Bình Thuận đã có 8 dự án điện gió ngoài khơi do các nhà đầu tư đăng ký, có tổng công suất tới 21.500 MW. Dự án Thăng Long Wind là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của cả nước được cấp phép khảo sát gió (tại vùng biển Kê Gà-Hàm Thuận Nam). Bình Thuận cũng đã từng kiến nghị Chính phủ đưa 11 dự án điện gió vào Quy hoạch điện 8 (trong đó có 8 dự án điện gió ngoài khơi). Có thể kể tới một số dự án lớn như: Thăng Long Wind của Tập đoàn Enginer Interprize (3.400 MW, vốn 11,9 tỷ USD); dự án điện gió Tuy Phong của Tập đoàn Onsted và T&T (4.600 MW, 15 tỷ USD); dự án điện gió AMI AC Bình Thuận của công ty AMI AC Renewable (1.800 MW, 5 tỷ USD); điện khí LNG Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2; nhiệt điện khí LNG Mũi Kê Gà…
Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến 2030 xác định: Thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực, ưu tiên điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG; xây dựng cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt hồ, mặt biển…
Thủ tướng Chính phủ trong lần về Bình Thuận dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (9/2022) đã đề nghị Bình Thuận tận dụng tiềm năng, tập trung ưu tiên phát triển du lịch biển và năng lượng tái tạo. Nay cao tốc đã mở ra cơ hội cho du lịch phát triển, còn Quy hoạch điện 8 cũng tạo cơ hội tốt cho tỉnh khai thác nguồn năng lượng sạch, góp sức cùng cả nước giải “cơn khát” điện những năm tới.