Theo dõi trên

Bình Thuận thiếu 3 tỷ m3 nước cho sản xuất nông nghiệp

09/04/2024, 05:28

Năm nay, tỉnh Bình Thuận phải chịu đợt khô hạn nhất kể từ 10 năm trở lại đây. Thời điểm này đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt khiến những hồ nước trên địa bàn tỉnh cạn trơ đáy, nguồn nước trữ tại các hồ trên địa bàn tỉnh thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Các hộ dân trên địa bàn tỉnh đang phải “mót” những nguồn nước thô cuối cùng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt cuộc sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện tại, nhiều hồ chứa nước, sông, suối, ao đào đang dần cạn kiệt nguồn nước, người dân phải đi lấy từng can nước phục vụ cho sinh hoạt. Hồ chứa nước Tà Mon, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam có sức chứa 600.000 m3, cung cấp nước chính cho các hộ dân trồng thanh long tại thôn Tà Mon, nhưng hiện nay lòng hồ đã cạn khô, trơ đáy. Người dân cho biết năm nay là năm cực hạn, vào thời điểm này của năm trước nước hồ còn sử dụng được nhưng năm nay từ giữa tháng 3 hồ đã cạn kiệt. Còn tại một số xã của huyện Hàm Thuận Nam nhiều người dân cũng phải dùng can nhựa để lấy nước từ những ao, hồ trong vùng về sử dụng. Hiện hồ Tà Mon đã hết nước, chỉ còn nhờ nước từ hồ Sông Móng, nhưng hiện nay tích nước của hồ Sông Móng trữ lượng rất ít nên nước sản xuất nông nghiệp cũng thiếu rất trầm trọng. Toàn tỉnh hiện có đến 35 xã bị thiếu hụt lượng mưa và nguồn nước từ 3 - 6 tháng và theo cấp độ rủi ro thiên tai bị xếp từ cấp 3 - 4. Toàn tỉnh có 357.000 ha đất nông nghiệp và có 49 hồ chứa nước, với tổng dung tích chứa 442 triệu m3. Dung lượng của các hồ chứa nước hiện tại cộng với nguồn nước ở sông, suối khác chỉ đủ tưới cho khoảng 57.000 ha. Nếu tính 100 triệu m3 tưới được cho 10.000 ha, với 300.000 ha đất nông nghiệp còn lại sẽ phải cần đến 3 tỷ m3 nước/năm.

img_3100.jpg
Khu vực lấy nước sinh hoạt xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam. Ảnh tư liệu.

Để giải quyết bài toán lâu dài về nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân trong tỉnh, những năm qua từ nguồn vốn của tỉnh và Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã tập trung phát triển nhiều hệ thống thủy lợi quan trọng. Từ khi các công trình thủy lợi đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực, những vùng đất khô cằn của các huyện như: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc… đã nhanh chóng hồi sinh. Thành công từ việc đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi không chỉ giúp địa phương chủ động tưới cho diện tích canh tác mà còn góp phần khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp qua đó tạo công ăn việc làm và tăng cao thu nhập cho người dân. Hàng ngàn hộ dân được thụ hưởng từ những công trình thủy lợi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình. Năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, sản lượng lương thực tăng liên tục hàng năm. Để giải bài toán lâu dài trên vùng đất khô hạn này, ngày 26/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam. Hồ Ka Pét với tổng mức đầu tư dự án là 585,647 tỷ đồng, dung tích thiết kế hơn 50 triệu m3, cung cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp cho người dân huyện Hàm Thuận Nam. Đây là một trong những hồ chứa lớn nhất tỉnh Bình Thuận. Khi được đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt không chỉ cho huyện Hàm Thuận Nam mà còn đối với việc cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho TP. Phan Thiết và vùng phía nam của Bình Thuận để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất phức tạp như hiện nay.

Để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ. Dự án Hồ chứa nước Ka Pét là một trong những dự án thủy lợi được nhân dân tỉnh Bình Thuận nói chung, nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và các huyện lân cận nói riêng mong đợi từ nhiều năm qua. Bởi vì các vùng đất khô hạn bị hoang mạc hóa sẽ được hồi sinh, diện tích đất sản xuất tăng lên, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Mục tiêu, hiệu quả của dự án mang lại là hết sức to lớn và lâu dài đối với dân sinh, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận và khu vực phía nam của tỉnh.

THANH QUANG


(1) Bình luận
Bài liên quan
Xe tải bốc cháy trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Khoảng 18h ngày 7/4, tại Km47 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc địa bàn xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, (giáp ranh huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) xảy ra vụ xe tải đang lưu thông thì bất ngờ bốc cháy…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận thiếu 3 tỷ m3 nước cho sản xuất nông nghiệp