Theo dõi trên

Bình Tuy tháng tư - ngày vỡ trận!

15/04/2022, 05:39

Dù có không ít trang viết về thời điểm giải phóng - ngày 23/4/1975 của thị xã La Gi ngày nay, nhưng vẫn còn nhiều tình tiết khá thú vị từ góc cảm nhận và hơn hẳn là niềm tự hào của 47 năm về trước. Ngày đó, trong nhật ký lịch sử chiến tranh, tỉnh Bình Tuy (gồm 3 quận Hàm Tân, Tánh Linh, Hoài Đức) là tỉnh cuối cùng của Quân khu 6 và là tỉnh thứ 21 được giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

screenshot_1649976039.png

Chuyện kể từ người trong cuộc

Trong hồi ký của Trung tướng Lê Quang Hòa, lúc này là Phó chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh (1) trực tiếp chỉ huy cánh quân hướng đông. Ông kể, sau 4 giờ chiến đấu, đến 21 giờ đêm 18 tháng 4 đã làm chủ thị xã Phan Thiết, rộng đường cho cánh quân Duyên hải tiến về Sài Gòn. Đến cầu Sông Dinh (Tân Minh) đã bị giật sập, tiểu đoàn Công binh (thuộc lữ đoàn 219) nhanh chóng lắp ngầm vượt qua. Đang dừng chân ở ấp Rừng Lá có lệnh chờ xuất phát vì cửa ngõ vào Sài Gòn do sư đoàn 18 BB/VNCH đang phòng thủ với một bức tường “quyết tử”. Lực lượng tăng cường mũi tiến công, Quân đoàn 2 nhận lệnh của Bộ, tổ chức một bộ phận quay trở lại để giải phóng Hàm Tân/La Gi… Vừa tối đã tiếp cận địa bàn tỉnh lỵ Bình Tuy gồm trung đoàn 66 (SĐ 304) cùng 4 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội bộ binh cơ giới, 1 đại đội pháo 107 ly, 1 trung đội pháo cao xạ. Bắt đầu khai hỏa vào các mục tiêu sân bay, chợ cá biển, tòa tỉnh trưởng… Tiếp đó xe tăng, bộ binh cơ giới chia làm nhiều mũi tấn công ào ạt mà không gặp sự chống trả nào đáng kể.

Trong hồi ký “Đường chiến đấu” của Thiếu tướng Phạm Hoài Chương (2), nói về thời khắc này: “Đến Suối Cát - Long Khánh gặp anh Tấn (tướng Lê Trọng Tấn), anh Hòa (tướng Lê Quang Hòa) cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đang ngồi nghỉ mát vệ đường. Nghe đề nghị của Quân khu 6, anh Tấn cười: “Các đồng chí muốn giải phóng trước chứ không đợi Sài Gòn à? Ta đang đánh Xuân Lộc và sắp đánh Bà Rịa, Vũng Tàu. Xong các nơi đó thì các đồng chí bất chiến tự nhiên thành thôi mà!”. Nói là nói vậy nhưng tướng Tấn vui vẻ lệnh cho tướng Nguyễn Hữu An, tư lệnh Quân đoàn 2 khẩn trương bố trí lực lượng. Theo tướng Phạm Hoài Chương, lúc này ta đang có mặt đại đội 88 cùng các đội công tác địa phương chiến đấu mạnh mẽ, dồn địch co cụm vào tỉnh lỵ. Sân bay Láng Gòn bị ta pháo làm cháy một máy bay C.130 tại đường băng… Đồng thời mũi tiến công do các lực lượng vũ trang như du kích xã Tân Thành chặn đánh một bộ phận tàn quân còn đủ trang bị, xe tăng từ miền Trung theo đường bờ biển Phan Thiết chạy vào Kê Gà và bị chặn đánh tại đèo Đá Dăm.

Cảnh hoảng loạn

Bộ máy đầu não hành chính, quân sự của tỉnh Bình Tuy lúc này chỉ co cụm ở tỉnh lỵ (La Gi), thuộc quận Hàm Tân. Từ đầu tháng 4, đường quốc lộ 1A bị nghẽn bởi chiến sự nổ ra ở Xuân Lộc - Long Khánh và sau đó hoàn toàn do lực lượng tiến quân về Sài Gòn làm chủ. La Gi trở thành cửa ngõ duy nhất để đào thoát cho làn sóng “di tản chiến thuật” của tàn quân lẫn dân sự từ miền Trung, Tây nguyên dồn về và chỉ tràn ra cửa biển trong tình trạng hoảng loạn. Rất may Bình Tuy không xảy ra cảnh cướp giật, bạo lực như ở Nha Trang, Phan Rang… Từ đầu tháng 4 các nhóm quân lính được các tàu dương vận hạm LCM (loại tàu đổ bộ) có thể cặp bãi biển Đồi Dương đưa ra hạm đội LCU, LST đậu ngoài khơi. Với nhân viên, công chức theo gia đình di tản thì thuê ghe chài để vượt sóng về Long Hải, Vũng Tàu…

Một số trang hồi ức của những sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn quân đội VNCH thuộc tỉnh Bình Tuy, sau này được hưởng chương trình HO và một số định cư ở California (Mỹ) đã kể lại. Tại thời điểm quyết liệt và kết thúc, tiếng súng chống trả của lực lượng quân sự VNCH tại Bình Tuy thực ra chỉ tập trung trên địa bàn La Gi gồm 4 tiểu đoàn Địa phương quân (các phiên hiệu 344, 341, 369, 370), 2 đại đội Trinh sát 512, 513… và thêm một Trung đoàn thuộc Sư đoàn 22/BB của VNCH đã rệu rã từ miền Trung lui binh, tăng cường cho Tiểu khu Bình Tuy. Đến ngày 22/4 có tin vòng đai thép phòng thủ Sài Gòn bị thất thủ, Sư đoàn 18/BB (Xuân Lộc) đã lặng lẽ rút quân, tháo chạy từ đêm 21/4. Vậy mà đại tá Trần Bá Thành - Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bình Tuy không hề hay biết, dù vẫn nhiều lần liên lạc, mòn mỏi chờ lệnh của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 (Biên Hòa). Cho đến khi tướng Lê Minh Đảo tư lệnh Sư đoàn 18/BB điện riêng, do nhờ mối quan hệ đồng đội trước đây, bấy giờ đại tá Thành mới biết sự thể đã muộn màng. Ông chỉ buông gọn một câu tuyệt vọng “Tiểu khu Bình Tuy coi như hoàn toàn bị bỏ rơi”. Thiếu tá P, tiểu đoàn trưởng 344/ĐPQ kể lại, với nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ sân bay và đồi Hoa Sim chỉ có 2 khẩu pháo 105 ly, cách Tòa tỉnh 800 mét… Khi lực lượng tăng T54, và các binh đoàn chủ lực vượt qua cầu Láng Gòn thì cửa ngõ và trung tâm đầu não tỉnh coi như mở toang. Phi cơ hỗ trợ chỉ có loại AC.119 thả trái sáng từ ngoài biển cầm chừng do cao xạ phòng không ngăn chặn tầm hoạt động. Các đơn vị địa phương quân phòng thủ tan rã, phần đông buông súng, đào ngũ trước đó. Từ 6 giờ sáng 22/4 Tòa hành chánh và Tiểu khu bị pháo kích dồn dập. Đến 20 giờ đêm 22/4, lực lượng quân giải phóng đã tràn ngập. Lúc này tin từ Hiệp Nghĩa, Tân Thuận, các cơ sở binh vận nổi dậy cùng hàng binh đánh chiếm Chi khu Hàm Tân (nay là xã Tân Hải)… Trung tá quận trưởng Hàm Tân Trần Hữu Giao cải trang, chạy bộ theo bờ biển từ ngảnh Tam Tân xuống Đồi Dương thì bị bắt giữ. Tuyến đường Tỉnh lộ 2 dọc Tân Nghĩa, Tân Hà đã im tiếng súng.

Không còn cách nào khác, đại tá Thành phải bí mật theo kế hoạch A di tản bằng đường ven biển có dương vận hạm hỗ trợ nhưng bất thành, do lực lượng Quân đoàn 2 và tăng truy kích tận bờ biển. Lúc đó chiến xa T54 đến tận chợ cá biển, bắn trúng đài chỉ huy tàu LCM hải quân đậu phía trong Hòn Bà, sĩ quan hạm trưởng chết. Cuối cùng phải chọn kế hoạch B với một toán thân tín đại tá Thành, trong tình cảnh tan tác, cắt rừng chạy về hướng Bình Châu bằng chiếc xe jeep, có hai sĩ quan liên lạc không quân, hải quân. Xe chỉ mở đèn mắt mèo soi đường, đủ thấy lờ mờ nên bị lật làm 2 lính bị thương…

Có thể khẳng định, giữa khuya chuyển sang ngày 23/4 lực lượng giải phóng đã có mặt, chiếm lĩnh Tòa hành chánh tỉnh và bộ chỉ huy Tiểu khu Bình Tuy, hoàn toàn khống chế các yếu điểm quân sự. Sau này có người nói, đại tá Tỉnh trưởng Thành được trực thăng bốc lên tại cua Ly Ly (đồng Tân Thiện) chở ra hạm đội là không đúng.

Chiếc C.130 gãy cánh, biểu tượng chiến thắng

Sau ngày giải phóng 1975, biểu tượng về ngày chấm dứt chiến tranh của Hàm Tân - La Gi xuất hiện trên một số ấn phẩm, pano tuyên truyền là bức vẽ cách điệu từ hình ảnh một đội hình quân giải phóng, giương cờ trên cánh máy bay C.130 giữa đường băng với một tinh thần kiêu hãnh, tự hào. Nhưng với bức hình thuật lại chi tiết, trên đuôi máy bay có sơn cờ vàng 3 sọc đỏ VNCH, bị gạch chéo và ghi ngày 24/4/75. Với bức ảnh này lại gây nhiều thắc mắc, vậy ngày thực sự giải phóng La Gi (Hàm Tân cũ) là ngày 23 hay 24 tháng 4?

Tìm hiểu những nhân vật trong tấm hình chụp thì cụ thể từ trái qua gồm các ông: Lê Thành Công (đội nón cối - lái xe), Nguyễn Trí (sau này là Bí thư huyện Tánh Linh), Lê Tiến Phương (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lê Khắc Thành - Ba Thành (thời điểm đó là Bí thư Tỉnh ủy Bình Tuy), Hồ Văn Thơ (cần vụ, đã mất) và Lê Thanh Mười (nguyên Giám đốc Sở TNMT). Theo ông Nguyễn Trí, hiện nghỉ hưu, sống ở Tánh Linh kể lại: “Cũng với bộ phận này cùng lực lượng chiến đấu của Tỉnh ủy Bình Tuy từ ngày 18/4 đã có mặt tại Ngã ba 46 (Tân Nghĩa), bên cạnh cánh quân chủ lực Sư đoàn 304, xe tăng T.54 thuộc Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) và 19 giờ đêm 22/4, chiếc xe Jeep ông Ba Thành tiếp cận Dốc Tỉnh - Tân An, đến 24 giờ khuya mới thật sự ổn định hoàn toàn. Rạng sáng 23/4 đội công tác mới vào Tòa hành chánh tỉnh trong cảnh nhếch nhác, tài liệu thì vung vãi, thức ăn như vừa dọn sẵn nhưng không còn một bóng người. Ông nhớ, làm sao diễn tả hết nổi cảm xúc cao ngất như vỡ òa của những cán bộ, chiến sĩ đặt chân đầu tiên ngay sào huyệt đó trong thời khắc chiến thắng. Ông Nguyễn Trí kể lại qua trưa hôm sau, theo chỉ đạo của Bí thư Ba Thành cùng tổ công tác đi lên hiện trường sân bay Láng Gòn để tận mắt thấy cho được xác chiếc C.130 của Mỹ “gãy cánh”, từng mệnh danh là Hercules đa năng vận chuyển khí tài, nhu yếu phẩm cho chiến trường… Anh Ba Thành không quên dặn mang theo một hộp sơn đen và chiếc cọ, ai cũng ngạc nhiên, không biết để làm gì. Đến nơi, anh tự tay cầm chiếc cọ nhúng đầy sơn gạch chéo lá cờ ba sọc in trên cánh máy bay và viết “giải phóng Bình Tuy 24.4.75”, tức sau một ngày chính thức giải phóng.

Chuyện từ 47 năm qua với góc nhìn và cảm xúc của mỗi người nhưng phải thừa nhận tính chân thật của sự kiện đã diễn ra. Đó là giá trị lịch sử đối với các thế hệ của quê hương mình đang sống.

(1)- Hồi ký Những chặng đường chống Mỹ của Trung tướng Lê Quang Hòa. Nguyên là Phó Chính ủy - Ủy viên Thường trực Quân ủy GPMNVN - Phó Chính ủy chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham gia lãnh đạo cánh quân hướng đông - Chức vụ sau cùng là Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng QĐNDVN.

(2)- Thiếu tướng Phạm Hoài Chương (hồi ký Đường chiến đấu), nguyên Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Thuận Hải/ Bình Thuận- Thời điểm tháng 4/1975 là Chỉ huy phó BCH giải phóng tỉnh Bình Tuy.

PHAN ĐỖ VŨ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Triển khai  hoạt động nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4)
Nhằm tổ chức kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4/2022. UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành; Ủy ban MTTQ Việt Nam, các Đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) với các nội dung cụ thể như sau:
Nổi bật
Mang quà tết ra quần đảo Trường Sa
BTO-Chiều 26/12, tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), các tàu đi thăm, động viên, chúc tết quân - dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu vươn khơi. Những tàu ấy không chỉ có hàng hóa, nhu yếu phẩm mà còn mang theo tình cảm, sự quan tâm, nghĩa tình của nhân dân cả nước hướng về quần đảo Trường Sa – vùng biển đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Tuy tháng tư - ngày vỡ trận!