Theo dõi trên

Bộ sẽ điều chỉnh các môn tích hợp trong thời gian tới

21/08/2023, 20:46

BTO-Trong chương trình Bộ trưởng gặp gỡ cán bộ, giáo viên, nhân viên các bậc học ngày 15/8 vừa qua, đã có khá nhiều ý kiến xoay quanh việc giáo viên khó khăn khi dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên, lịch sử & địa lý trong chương trình GDPT 2018.

Ý kiến của cô giáo Hoàng Hải Vân mong Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp. Cô giáo Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên tỉnh Nghệ An bày tỏ nỗi trăn trở: Dù đã được bồi dưỡng chứng chỉ dạy tích hợp, song khi đứng lớp giảng dạy, giáo viên cũng chưa cảm thấy tự tin.

hs.jpg
Một tiết ôn tập cho học sinh cuối cấp (ảnh minh họa)

Đó chỉ là một trong những giáo viên được vinh dự nêu ý kiến của mình trong buổi gặp gỡ Bộ trưởng. Những ý kiến trên được chia sẻ trên các trang thông tin, lập tức nhận được sự đồng tình rất lớn từ các nhà giáo (vì bản thân nhiều thầy cô giáo cũng đang gặp khó khăn khi phải giảng dạy những môn không phải chuyên môn, không phải sở trường của mình).

Bộ trưởng khẳng định: sẽ có sự điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới

Trước những ý kiến chia sẻ của nhiều nhà giáo về khó khăn khi thực hiện giảng dạy tích hợp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, tích hợp liên môn là một điểm mới trong Chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là việc triển khai các môn tích hợp trong chương trình mới. Mặc dù trước đó, Bộ cũng đã tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, mục tiêu là phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Thế nhưng, khi triển khai thực tế lại gặp phải nhiều điểm vướng mắc.

Bộ trưởng đã khẳng định: “Khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh đối với chương trình 2018 nội dung môn học tích hợp. Nhưng điều chỉnh như thế nào để không gây ra xáo trộn tiếp theo cũng như không ảnh hưởng đến việc đội ngũ giáo viên, năng lực giáo viên đã được chuẩn bị trong thời gian vừa qua”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra điều chỉnh với môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở. Là giáo viên, tôi cho rằng để việc điều chỉnh môn tích hợp sao cho hiệu quả nhất, Bộ cần lấy ý kiến góp ý của giáo viên.

Bởi, các thầy cô chính là người đang trực tiếp giảng dạy, là những người đang gặp phải những khó khăn, những vướng mắc trong việc giảng dạy môn tích hợp.

Điều chỉnh thế nào là hiệu quả nhất?

Nan giải nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên chưa đủ năng lực để giảng dạy tốt các môn tích hợp. Việc bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp cho giáo viên ở thời điểm hiện tại cũng không tác dụng gì.

Một chia sẻ của một giáo viên giỏi cho thấy yêu cầu giáo viên dạy đa môn sẽ là mối lo ngại về chất lượng cho giáo dục hiện nay: “Tôi dạy 26 năm môn lý, dạy ôn luyện cho đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng môn hóa, sinh thì dạy cơ bản cũng không xong”.

Và còn rất nhiều thầy cô giáo là giáo viên dạy giỏi hóa cũng khó dạy tốt môn lý và sinh. Hay thầy cô dạy giỏi lịch sử cũng không tự tin để dạy giỏi môn địa và ngược lại.

Vì thế, giải pháp tốt nhất hiện nay là quay trở lại các môn học độc lập như trước đây như môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Nếu vì một lý do nào đó không thể trả các môn học về như tên gọi cũ, lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý thì vẫn phải để giáo viên môn nào dạy môn ấy cho đến khi có đủ lực lượng giáo viên được đào tạo bài bản, chính quy sẽ tiến hành bố trí giảng dạy môn tích hợp.

Tiếp tục tuyển sinh để đào tạo giáo viên tích hợp thực chất. Yêu cầu dự tuyển vào ngành sư phạm hiện nay, học sinh lớp 12 phải có lực học giỏi, cùng với việc được đào tạo 4 năm chuyên sâu từ 2 -3 môn. Chắc chắn những giáo sinh này ra trường sẽ là những thầy cô có đủ năng lực để giảng dạy tốt môn học tích hợp.

PHAN TUYẾT


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thêm một bộ sách giáo khoa nữa sẽ rất rối
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang được thực hiện sang năm học thứ 4 ở các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Các bộ sách giáo khoa 5, 9 và 12 cũng đã được thẩm định xong.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ sẽ điều chỉnh các môn tích hợp trong thời gian tới