Theo dõi trên

Bồi hồi trước thi phẩm “Mẹ ơi!”

09/12/2022, 05:50

1. Đối với hầu hết mọi người, mẹ luôn là niềm kính yêu, quý trọng, mang nặng ơn sâu. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết về mẹ của mình qua biết bao câu chuyện trong những áng văn chương với nhiều cung bậc cảm xúc.

Không ít văn, thi sĩ của Bình Thuận cũng cùng chung điều ấy. Nhà thơ Đoàn Vũ, một nhà thơ quen thuộc với độc giả ở Bình Thuận, người có duyên với khá nhiều các giải thưởng về thơ cả trong và ngoài tỉnh, đã góp vào kho tàng văn học viết về mẹ bài “Mẹ ơi!”.

2. Nhà thơ đã mở đầu tác phẩm bằng hình ảnh mẹ của anh trong bối cảnh cánh đồng vào mùa gặt, cánh đồng của những ngày xa xưa, khi anh còn rất nhỏ. Mẹ anh, một người phụ nữ nghèo trong những ngày con còn thơ dại, lại đang chịu tang chồng, vất vả trên đồng mùa gặt: “Lã chã giọt mồ hôi quánh đặc” với “Vạt áo chàm vá đụn”. Những giọt nước mắt của mẹ cứ “đầm đìa rơi xuống lòng mương cái”. Hình ảnh ấy vẫn luôn đậm trong ký ức của nhà thơ.

Tiếp đó là cánh đồng của ngày anh về quê, khi đã trưởng thành. Dẫu thời gian có qua đi thật lâu trong đời, khi trở về, nhà thơ vẫn không thể nào quên những giọt nước mắt của mẹ của ngày nào: “Mẹ ơi! Những giọt nước mắt đầm đìa của mẹ bây giờ lặn vào đâu?”. Nhớ về mẹ của những ngày xưa, với những nhọc nhằn, những buồn thương khi ấy, những giọt nước mắt của nhà thơ đã rơi trên mộ mẹ anh hôm nay trong một buổi chiều tàn: “Giọt mặn/ rơi/ trên lưng mộ mẹ/ Vãn chiều”.

Kết cấu của bài thơ đi theo mạch hồi tưởng, mạch cảm xúc của tác giả. Cảm xúc ấy tăng dần theo thời gian. Nếu trước còn là sự ngây ngô của thời thơ ấu, thì nay là lòng nhớ thương mẹ vô bờ. Không gian trong “Mẹ ơi!” đi từ “cánh đồng” đến “lòng mương cái”, “chân trời”, có “đất dày”, “trời xa”, “mây xa”, rồi đến “mộ mẹ”. Vẫn là những khoảng không gian thân thuộc của quê nhà.

Thi phẩm “Mẹ ơi!” có 6 khổ thơ thì khổ 1 và 2 được tác giả Đoàn Vũ viết theo dạng thơ văn xuôi; 4 khổ còn lại, anh viết ở thể tự do. Thơ văn xuôi đã từng được nhà thơ Đoàn Vũ viết trước đây. Ở những bài thơ dạng này, anh viết giàu cảm xúc, rất mượt về thanh âm, dễ đi vào lòng người.

Một vài nhà thơ - nhà giáo tỉnh ta đã sáng tác thơ văn xuôi như Nguyễn Thị Liên Tâm, Đinh Đình Chiến… và các anh chị cũng đã rất thành công khi chuyển tải những nỗi niềm. Với nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm là tình cảm với cha, với nhà thơ Đinh Đình Chiến là nỗi niềm với nghề dạy học anh đã nhiều chục năm gắn bó.

Qua thi phẩm “Mẹ ơi!”, nhà thơ Đoàn Vũ, một lần nữa, thể hiện được vốn ngôn từ đa dạng, phong phú, đẹp đẽ của mình. Tác giả đã rất chọn lọc, cân nhắc khi dùng từ. Vẫn là những từ thường gặp; song, anh đã đưa những từ ấy vào những ngữ cảnh phù hợp, đã tạo nên dung mạo mới của những câu thơ, tạo được hơi thở riêng của bài thơ.

Độc giả có thể nhận ra chất thơ đậm đà trong khổ thơ thứ ba của bài: “Ngày đó ơi/ Cánh đồng thời ngây ngô của tôi ơi!/ Những giọt mồ hồi mẹ tôi đã vô tình xa xót đánh rơi/ Tuổi thơ của tôi đã vô tình nghịch ngợm đánh rơi/ Con vịt đồng có lượm?/ Con mương cái còn giữ?/ Và cánh đồng có cất không khi trở nhịp giao mùa?”. Nhà thơ đã sử dụng phép tu từ nhân hóa, lồng với kỹ thuật đảo cấu trúc câu và cả dùng những từ khác nhau diễn tả những ý gần nhau để hình thành nên khổ thơ này.

Nhà thơ đã đưa rất nhiều từ láy vào bài thơ: “Thiêm thiếp, lã chã, ủ rũ, ngập ngừng, đắng đót, đăm đắm, đầm đìa, huyền hoặc, ngây ngô, xót xa, nghịch ngợm, lang thang, bơ vơ...”. Những từ láy ấy, góp phần diễn tả những dáng vẻ, tính chất, cảm giác, trạng thái, tâm trạng, tình cảm, hoạt động, sự say mê… khác nhau của những nhân vật trữ tình - Mẹ và tác giả - cùng của thiên nhiên hiện diện trong bài, làm đẹp thêm lời thơ, làm đầy thêm tình thơ.

3. Đọc “Mẹ ơi!”, bạn đọc tìm thấy một giọng thơ riêng, với những ngôn từ linh hoạt, mượt mà, chứa đựng những tình cảm đầy thương yêu, kính trọng mẹ của nhà thơ. Tình cảm ấy lại cũng rất gần gũi với tình cảm về mẹ của nhiều người con khác của quê hương. Thi phẩm “Mẹ ơi!” của nhà thơ Đoàn Vũ, nhờ thế, dễ chạm vào trái tim người đọc.

Mẹ ơi

Mùa gặt

cánh đồng chiều mệt lả thiêm thiếp ngủ hờ quyến rũ cả mẹ tôi. Lã chã giọt mồ hôi quánh đặc vạt áo chàm vá đụn – mẹ bước qua bờ mương, con suối chiếc bóng gầy gầy tiếng khóc cõng trên lưng. Chim chìa vôi ủ rũ hót ngập ngừng; đắng đót mẹ tang chồng, con dại khờ tang bố. Đăm đắm phía chân trời nuôi một giấc mơ con…

Mùa gặt

vãn nhanh, cánh đồng thiêm thiếp ngủ. Sao mắt mẹ chưa nguôi cứ đầm đìa rơi xuống lòng mương cái; con mương vẫn thản nhiên chỉ tạc hình bóng mẹ điên điển đâu trổ vàng huyền hoặc bước mẹ ư?!

Ngày đó ơi

cánh đồng thời ngây ngô của tôi ơi!

những giọt mồ hôi mẹ tôi đã vô tình xa xót đánh rơi

tuổi thơ của tôi đã vô tình nghịch ngợm đánh rơi

con vịt đồng có lượm?

con mương cái còn giữ?

và cánh đồng có cất không khi trở nhịp giao mùa?

Ngày trở về

lang thang trên cánh đồng thời ngây ngô của tôi

cụm mây trắng trên đầu cũng lang thang đồng cảm...

đất dày, trời xa, mây xa.

Mẹ ơi!

những giọt nước mắt đầm đìa của mẹ bây giờ lặn vào đâu?

tiếng khóc cười ngây ngô trên lưng mẹ vẫn là của tôi ư…

Ơi! Cánh đồng thời ngây ngô của tôi

chiều bơ vơ trên mặt đồng khô hạn

giọt mặn

rơi

trên lưng mộ mẹ

vãn chiều.

ĐOÀN VŨ

MINH TRÍ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phan Thiết rộn ràng đón Giáng sinh và năm mới 2023
Mũi Né - Phan Thiết những ngày cuối năm se lạnh đang chào đón khách du lịch khắp nơi đến thưởng lãm và trải nghiệm không gian rộn ràng và đầy sắc màu của lễ hội Giáng sinh và Năm mới 2023.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bồi hồi trước thi phẩm “Mẹ ơi!”