Theo dõi trên

Buồn ơi chào mi

12/08/2022, 06:13 - Lượt đọc: 1,638

Có bạn trẻ thế hệ 9x chia sẻ với tôi về chuyện riêng mà bạn khó xử. Hôm ấy bạn nói: “Em buồn lắm!”. Vừa rồi tôi nhắn tin hỏi, chuyện giải quyết đến đâu rồi? Bạn nhắn lại: “Buồn ơi chào mi… kkk. Cảm ơn huynh”.

Hôm chủ nhật, cùng uống cà phê, tôi hỏi có biết xuất xứ câu “buồn ơi chào mi” không? Bạn nói là nhan đề một bài hát, rồi hào hứng khe khẽ hát mấy câu cho tôi nghe. Tôi hỏi thế đã tiếp cận với cuốn tiểu thuyết Buồn ơi chào mi chưa? Bạn rất ngạc nhiên, đôi mắt tròn xoe nhìn tôi lắc đầu. Thế rồi chúng tôi lại chuyện trò xoay quanh cuốn sách.

a27d24_b84085ef28b546fc86e71280f604b047_mv2.jpg
Tác giả Francoise Sagan của Buồn ơi chào mi (Bonjour Tristesse).

Hồi trước năm 1975, bọn tôi mới học lớp 10, 11 phổ thông thôi nhưng đã thích tìm sách triết học để đọc, rồi trao đổi với nhau, xem như cái “mode”, để tỏ mình là người có học. Tuy hiểu chưa thật thấu đáo, nhưng vẫn đọc, rồi hỏi, nên từng biết đến tên tuổi của những triết gia như Nietzche, Kierkegaard… Đến lớp 12 thì học triết học, tìm hiểu sâu kỹ hơn để thi tú tài. Đa số học sinh ban C bọn tôi hồi đó đọc những cuốn như Buồn nôn (La Nausée) của Jean-Paul Sartre, Kẻ xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus, Buồn ơi chào mi (Bonjour Tristesse) của Francoise Sagan. Tôi nhớ, cuốn sách đọc khó hiểu nhất là Buồn nôn, chứ còn Buồn ơi chào mi thì cốt truyện đơn giản. Buồn ơi chào mi là cuốn tiểu thuyết của nữ văn sĩ mới 19 tuổi, sách thể hiện quan điểm triết học về chủ nghĩa hiện sinh, khi cuốn sách vừa mới ra mắt bạn đọc lần đầu tiên đã gây tiếng vang rộng khắp, liên tục tái bản lên đến hàng triệu bản, dịch ra trên 20 thứ tiếng ở các châu lục.  

Bạn trẻ bắt đầu thích thú, trao đổi về hiện sinh. Tìm hiểu thấy các nhà nghiên cứu nói tư tưởng hiện sinh đã xuất hiện từ 2.500 năm trước, cho rằng triết gia Sokrates (470 – 399 TCN) là ông tổ của hiện sinh. Ông quan niệm con người mới là vấn đề trung tâm cần nghiên cứu. Khẩu hiệu nổi tiếng của ông là: “Hỡi con người hãy tự biết chính mình!”. Nhưng mãi đến thế kỷ XX, khi trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới (1914 – 1918; 1939 – 1945), đã làm cho châu Âu đổ nát hoang tàn, hàng triệu người chết, kinh tế khủng hoảng, hàng chục triệu người thất nghiệp, niềm tin bị hủy diệt, đạo đức suy đồi, đa số con người sống trong tuyệt vọng, hoài nghi, lo âu, lúc bấy giờ tư tưởng hiện sinh mới trở thành trào lưu chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện đáp ứng những yêu cầu về tinh thần đó của nhân loại. Những triết gia tên tuổi về chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện, như Jean-Paul Sartre, Albert Camus... Họ quan niệm sự sống là một quá trình hình thành bản thân và lo âu luôn bám sát với quá trình sự sống con người, lo âu bởi vì phải mang trách nhiệm với bản thân. Trong tác phẩm của Jean-Paul Sartre, Albert Camus chú trọng vào các chủ đề như “nỗi sợ, sự buồn chán, sự lạc lõng trong xã hội, sự phi lý, tự do, cam kết và hư vô” như là nền tảng của sự hiện sinh con người. Khi chủ nghĩa hiện sinh ra đời nó trở thành một trào lưu phát triển mạnh không chỉ trong triết học mà cả trong văn học lẫn lối sống. Nhà văn Francoise Sagan xuất hiện trong không gian và thời gian đó với tác phẩm Bonjour Tristess – Buồn ơi chào mi (1954), cuốn truyện chưa đầy 200 trang nhưng làm xôn xao dư luận trở thành best-seller.

Tôi kể với người bạn trẻ, cốt truyện Buồn ơi chào mi đơn giản xoay quanh 3 nhân vật chính: người kể chuyện là Cécile, người cha góa vợ và người tình sắp cưới của ông là cô Anne. Cécile là nữ sinh 17 tuổi, sống phóng khoáng, không thể chấp nhận cô Anne là người phụ nữ đoan trang, một khi thành mẹ ghẻ thế nào cũng sẽ sửa đổi tính tình của Cécile, nên Cécile nhờ sự trợ giúp của người bạn trai, quyết tâm triệt hạ Anne. Họ dàn cảnh để Anne chứng kiến cha cô âu yếm một người đàn bà khác. Anne nhìn thấy, quá thất vọng về người tình, cô phẫn nộ, phóng xe ra đường, kết cuộc, bị tai nạn tử vong. Đến khi ấy Cécile mới bắt đầu cảm thấy thấm thía một nỗi buồn. Sagan đặt tên cho cuốn truyện của mình là Bonjour Tristess từ nội dung như vậy. Nhà báo Nguyễn Vỹ dịch nhan đề Bonjour Tristess sang tiếng Việt là Buồn ơi chào mi, thật tài tình.

Có một điều hiếm thấy, Sagan sống ngoài đời cũng “nổi loạn” như nhân vật của mình trong tác phẩm. Cuộc đời cầm bút của bà tuy chưa có một giải thưởng nào, nhưng đã đưa bà lên đến đỉnh vinh quang, sống trong giàu sang hưởng lạc, nhưng cuối đời trở nên nghèo khổ, mua gói thuốc lá cũng phải xin tiền, bị bệnh suy tim. Bà mất trong một bệnh viện ở thành phố cảng Honfleur, vùng Normandy, miền Nam nước Pháp. Ngay khi hay tin bà mất, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã bày tỏ lòng tiếc thương, ông nói: “Sagan là một nhân vật hàng đầu trong thế hệ của bà đã giúp nâng cao địa vị của người phụ nữ trong xã hội Pháp. Với sự ra đi của bà, nước Pháp đã mất đi một trong những tác giả nhạy cảm và xuất sắc nhất....”.

Nghe thế, người bạn trẻ nhìn tôi cười: Đúng là thế hệ bọn em lười đọc quá, mà sách ấy giờ tìm đâu ra! Em thấy nhiều bạn hay nhắc đến cụm từ “buồn ơi chào mi”, nhưng chỉ biết đó là nhan đề tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Ánh 9, còn Francoise Sagan và tác phẩm nổi tiếng của bà lớp trẻ bọn em chẳng mấy người biết đến.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hiệu quả từ những mô hình và phong trào thanh niên
Với tinh thần xung kích, dám nghĩ dám làm, nhiều mô hình hay, phần việc mới, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ Bình Thuận đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, ghi thêm những dấu ấn đậm nét của màu áo xanh tình nguyện trên khắp các nẻo đường, miền quê xứ biển.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Buồn ơi chào mi