Dầu vẫn khan hiếm...
Từ hôm qua đến nay, nhiều ngư dân ở Tuy Phong, Phan Thiết tất tả chạy khắp nơi tìm vài trăm lít dầu cho chuyến biển, nhưng rất khó khăn. Tối hôm qua, ngư dân tập trung rất đông ở cây xăng gần chợ mới Chí Công để mua dầu mặc dù nơi này thông báo hết hàng từ chiều, sự lo lắng, bức xúc khi nhiều ghe thuyền nằm nhà dù đang vụ cá nam. Các cây xăng gần cảng Phan Rí Cửa, Liên Hương, Phan Thiết… đến nay vẫn chưa có dầu trở lại, nên tình trạng khan dầu đi biển trở thành vấn đề “nóng” của các ngư dân. Anh Nguyễn Tèo – một chủ thúng ở thị trấn Phan Rí Cửa cho biết: “Hầu hết các cây xăng trong thị trấn đếu báo hết dầu, tôi và vài ngư dân khác phải đi Chí Công, Liên Hương, thậm chí ra tận Phan Rang mới mua được vài trăm lít dầu. Các cây xăng trên Quốc lộ 1A từ chối bán dầu bằng phi, can, chỉ ưu tiên đổ cho phương tiện vận tải. Chúng tôi có giải thích mua dầu đi biển, không mua bằng can thì mua bằng gì, nhưng họ nói chủ không cho bán, vì sợ tình trạng đầu cơ, hạn chế trường hợp mua đi bán lại”. Theo tìm hiểu của phóng viên, các cây xăng ở tỉnh Đồng Nai giáp ranh Bình Thuận từ chối bán xăng, dầu cho xe ngoài tỉnh, không bán dầu bằng phi, can mà chỉ ưu tiên đổ cho xe máy, ô tô ở địa phương. Ngày mai rơi vào kỳ nghỉ lễ 4 ngày, sẽ có nhiều xe du lịch ở TP. HCM, các tỉnh miền Tây đổ về Bình Thuận vui chơi, nên người dân khá lo lắng nếu tình trạng này kéo dài.
Chủ cây xăng H. H gần cảng cá Phan Rí Cửa chia sẻ: “Mấy ngày nay, chúng tôi rất mệt mỏi, không có dầu để bán cho bà con đi biển. Vào vụ mùa cá nam chúng tôi thường bán từ 7.000 – 10.000 lít dầu/ngày, nhưng nay công ty đầu mối chỉ cung cấp cho chúng tôi 3.000 lít/ngày, với điều kiện đại lý phải bù lỗ 300 đồng/lít, chưa kể phí vận chuyển, nhân công. Do đó, đại lý chỉ cung cấp cho khoảng 5 - 7 ghe thuyền là hết hàng. Ngư dân không hiểu, cho rằng chúng tôi ém hàng, đầu cơ. Lực lượng chức năng đã xuống làm việc, đo dầu trong bồn chứng minh các cây xăng đã cạn dầu. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng sớm điều chỉnh giá rõ ràng, phù hợp, cung cấp nguồn hàng dồi dào như trước vì dầu có tăng mốc 30.000 đồng/lít thì nhiều ngư dân muốn ra khơi vẫn đồng ý mua”.
Tại huyện Phú Quý, hôm nay các cây xăng trên đảo cũng không còn hàng dồi dào như trước, các ngư dân nghe tin ở đất liền khan dầu cũng xách can đến mua dự trữ cho các chuyến biển vài ngày tới, nhưng các cây xăng chỉ bán cầm chừng. Đại diện 1 đại lý xăng dầu ở đảo Phú Quý cho biết, lượng dầu trong bồn sắp hết, đại lý đã đặt hàng công ty đầu mối nhưng họ báo chỉ giao được 60 tấn dầu, 10 tấn xăng, bán chỉ được vài ngày. Đã vậy, đơn hàng này họ không chiết khấu, đại lý nhập hàng phải chịu lỗ 200 đồng/ lít xăng dầu, chưa kể chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, đại lý buộc phải nhập hàng về cung cấp cho ngư dân đi biển vì đang vào chính vụ cá nam. “Kinh doanh xăng dầu hơn 15 năm nay, lần đầu tiên tôi thấy thị trường xăng dầu biến động lớn đến vậy”, chủ đại lý này cho biết thêm.
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa
Được biết, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Trần Hữu Linh vừa mới chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các Cục Quản lý thị trường khu vực miền Nam tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng xăng dầu. Theo đó, Cục Quản lý thị trường ngay lập tức chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát 24/24, làm việc với các cây xăng cụ thể để không xảy ra tình trạng thiếu hàng và đóng cửa, nếu xảy ra tình trạng hết hàng, hay đóng cửa, đề nghị xử lý ngay lập tức. Trong trường hợp do nhà cung cấp xăng dầu không giao, các Cục Quản lý thị trường phải làm việc với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý… nếu phát hiện vi phạm xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo về Tổng cục Quản lý thị trường hoặc Bộ Công Thương để xử lý.
Về việc xử lý tình huống hết hàng, đóng cửa, Tổng cục trưởng đề nghị các Cục (hoặc giao cho Đội Quản lý thị trường) ban hành quyết định kiểm tra hoặc giám sát các cửa hàng này làm rõ lý do. Nếu vì lý do các thương nhân cung ứng xăng dầu không cung ứng đủ hàng thì làm việc tiếp với các thương nhân cung ứng này (nếu có trụ sở hoặc chi nhánh tại tỉnh), nếu ngoài tỉnh thì phối hợp với Cục Quản lý thị trường nơi có trụ sở của thương nhân cung ứng xăng dầu làm việc để làm rõ nguyên nhân. Tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu hết hàng, khi kiểm tra, giám sát phải “đo bồn” và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho. Nếu hết hàng do chủ quan của doanh nghiệp và các vi phạm khác phải xử lý nghiêm. Đảm bảo phải kiểm tra tất cả các vụ việc mà cửa hàng bán lẻ thiếu hàng, hết hàng, đóng cửa. Đáng lưu ý, Tổng cục trưởng yêu cầu Đội Quản lý thị trường địa bàn phải có trách nhiệm phát hiện sớm, phải biết cửa hàng nào đóng cửa trước khi người dân hay báo chí phản ánh. Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xử nghiêm nếu buông lỏng quản lý địa bàn.
Trong hôm nay (31/8), các đội QLTT tỉnh tiếp tục kiểm tra các cây xăng trên địa bàn tỉnh. Theo Đội QLTT số 1 phụ trách địa bàn Phan Thiết, sau khi giám sát 47/50 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn cho thấy, các cửa hàng này kinh doanh, hoạt động bình thường, chưa phát hiện cửa hàng nào găm hàng, đầu cơ gây bất ổn thị trường. Các cửa hàng xăng dầu: Kim Thanh, Kim Thanh 2, Đình Chung (Cảng cá Phan Thiết) và cửa hàng xăng dầu Hải Nên (cảng cá Phú Hài) đều hết dầu cung ứng, nên đã gửi thông báo đến Sở Công thương xin tạm ngưng mặt hàng dầu DO. Các cửa hàng này đã đặt thêm 20.000 lít dầu nhưng chưa về. Ngoài ra, có 5 cửa hàng xăng dầu hết hàng hôm nay, riêng của hàng xăng dầu Lê Dũng hết cả xăng lẫn dầu…
Theo đại diện Cục QLTT Bình Thuận, hầu hết các cửa hàng xăng dầu đã đặt từ các công ty đầu mối 5 - 7 ngày trước nhưng hàng vẫn chưa về hoặc về rất ít. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát để xác định hết dầu là lỗi chủ quan hay khách quan và sẽ phối hợp xử lý rốt ráo trong vài ngày tới.