Dự án mới được tổ chức lễ khởi công có tên “Nhà máy sản xuất đinh vít các loại”, do Công ty SHEH FUNG SCREWS (Đài Loan) làm chủ đầu tư và Công ty TNHH SHEH FUNG SCREWS Việt Nam là tổ chức kinh tế thực hiện dự án tại Việt Nam. Được biết, nhà máy có quy mô tương đối lớn, công nghệ khá hiện đại với công suất khoảng 30.000 tấn sản phẩm đinh vít/năm và gia công cán kéo khoảng 60 tấn dây thép dùng làm nguyên liệu sản xuất ốc vít, đinh tán các loại…
Trong tháng trước đó (11/2022), Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết cũng có 2 dự án thứ cấp triển khai xây dựng theo giấy phép, đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu về cơ hội đầu tư tại địa phương. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh nhìn chung được duy trì ổn định. Nhờ đó đưa doanh thu tính từ đầu năm đến nay đạt khoảng 7.180 tỷ đồng (tăng 5,2% so cùng kỳ và vượt 6,3% kế hoạch năm), đối với kim ngạch xuất khẩu thực hiện 196,5 triệu USD (tăng 6,3% so cùng kỳ và vượt 3,4% kế hoạch năm), nộp ngân sách đạt 108 tỷ đồng (tăng 4,5% so cùng kỳ và bằng 98% kế hoạch năm). Dự ước kết thúc năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp thứ cấp có thể đạt 7.760 tỷ đồng (tăng 43,3% so kế hoạch), kim ngạch xuất khẩu khoảng 220 triệu USD (tăng 53% so kế hoạch) và nộp ngân sách đạt 120 tỷ đồng (tăng 35,4% so kế hoạch).
Có thể thấy thời hậu đại dịch Covid - 19, tình hình sản xuất - kinh doanh tại các KCN trên địa bàn Bình Thuận vẫn còn không ít thách thức, nhất là với một số đơn vị tham gia xuất khẩu thanh long. Tuy nhiên nhìn tổng thể, Ban Quản lý và nhà đầu tư, doanh nghiệp thứ cấp đã cùng nỗ lực vượt khó để góp sức đem lại kết quả khởi sắc so với năm 2021… Song song đó, công tác xúc tiến thu hút dự án vào các KCN cũng được chú trọng thông qua phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu, mời gọi đầu tư. Trong năm, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đã gặp gỡ, làm việc và hỗ trợ nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu về tình hình kinh tế - xã hội, lao động, chính sách ưu đãi, khảo sát thực địa để nghiên cứu đầu tư tại địa phương.
Dù kết quả thu hút dự án đầu tư chưa như kỳ vọng do còn ảnh hưởng dịch Covid - 19, nhưng với sự chủ động trong công tác mời gọi, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng KCN sẽ tạo sức cạnh tranh cho địa phương vào thời gian tới. Cùng với Cảng quốc tế Vĩnh Tân đã hình thành, tuyến đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng trong năm 2023, tiếp nữa là sân bay Phan Thiết sắp khởi công… là điều kiện rất thuận lợi để các KCN trên địa bàn Bình Thuận đón đầu “làn sóng” dịch chuyển dự án từ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó từng bước lấp đầy dự án đầu tư thứ cấp, tham gia giải quyết nhiều việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.