Theo dõi trên

Các khoản thu đầu năm: Phí hội có bị lạm dụng?

19/09/2016, 08:38

BT- Chấp nhận cho con đi học là phải tốn tiền, không chỉ là mua sắm quần áo, sách vở, bút, viết… mà còn phải nộp những khoản tiền trường đầu năm học mới. Song, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện, “đánh đu” với những khoản thu, nhất là các khoản thu gọi là “phí hội”.

“Bóp bụng” đóng quỹ cho con

Không ít phụ huynh học sinh than thở sau mỗi buổi họp phụ huynh đầu năm học mới, ngoài các khoản đóng của trường theo quy định, còn phải góp thêm khoản được gọi là “tự nguyện” của Ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐDCMHS). Theo nhiều phụ huynh cho biết: Khoản “tự nguyện” nhưng thực tế không phải là “tự nguyện”, người ta đóng sao thì mình phải đóng thế thôi. Chẳng lẽ trong một lớp học, người đóng nhiều, kẻ đóng ít coi sao được. Một phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học bán trú trên địa bàn TP. Phan Thiết cho biết: Tổng các khoản đầu năm phải đóng cho đứa con vào học lớp 3 gần 1,7 triệu đồng, đó là chưa kể hội phí. Nào tiền sách, vở, quần áo, dụng cụ học tập… tất tần tật phải dồn vào đầu năm cũng “đuối” thật, nhưng đã chấp nhận cho con đi học thì phải cố chạy tiền. Nhưng ngặt nỗi có những khoản thu của trường cũng chưa được thông. Nhiều phụ huynh cho rằng việc thu phí hội phụ huynh là do Ban ĐDCMHS lớp thỏa thuận trên tinh thần dân chủ, công khai, tự nguyện đóng góp, không cào bằng. Trên thực tế, có nhiều trường lại đưa ra mức trần để thu. Một phụ huynh (đề nghị giấu tên) cho biết: Ban phụ huynh đưa ra giá tiền đóng cụ thể: mức đóng 300.000 hoặc 400.000 đồng, đề nghị phụ huynh đóng góp tùy điều kiện có thể, nhưng không được đóng dưới mức này. “Nếu như vậy thì ai dám đóng 200.000 hoặc 100.000 đồng, phải đóng từ 300.000 đồng trở lên”, chị B cho biết. “Tôi rất đồng tình với việc thu phí phục vụ bán trú, bởi con mình ở lại trưa, có người phục vụ ăn uống đỡ rất nhiều cho phụ huynh học sinh. Riêng khoản thu mua vật dụng bán trú có trường thu ít, trường thu nhiều”, chị H, phụ huynh Trường tiểu học Tuyên Quang cho hay. Có phụ huynh cho biết vật dụng bán trú cho trẻ ăn mỗi năm hư hỏng phải mua sắm lại, nhất là các lớp đầu cấp phải đóng nhiều hơn. Đối với các lớp 3, 4, 5 có trường thu 150.000 đồng, thậm chí đến 200.000 đồng/học sinh; nhưng cũng có trường chỉ thu 70.000 đồng/học sinh; chén, bát, ly nhà trường đều sử dụng bằng inox, chẳng lẽ mỗi năm đều bể hết để mua sắm lại. Tuy nhiên, nói thì nói vậy chứ các trường cũng chẳng dám thu vượt nhiều. Bởi tất cả các khoản thu, đều được các trường thỏa thuận với Ban ĐDCMHS, căn cứ vào quy định mức thu của UBND tỉnh để thống nhất.

 Đóng góp trên tinh thần hỗ trợ, không quy định mức trần

Qua theo dõi các khoản thu đầu năm ở một số trường tiểu học bán trú ở địa bàn thành thị cho thấy: Nhiều trường học năm nay siết chặt các khoản thu theo đúng quy định của UBND tỉnh. Hiệu trưởng tiểu học Hưng Long 2, cô Tống Thị Thắm cho biết: Trường hầu hết là con em lao động nghèo, nên việc thu phí cũng phải cân nhắc rất kỹ. Ngay cả học phí còn phải phân kỳ để đóng, mà còn phải nhắc tới nhắc lui, huống chi nhiều khoản thu phụ huynh lấy đâu ra. Được biết, với các khoản thu đầu năm, đều được các trường gởi Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng Giáo dục - Đào tạo để theo dõi, quản lý và được điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, với các lớp học theo Vnen, các trường tự cân đối kinh phí thực hiện. Do một số trường thiếu kinh phí phải nhờ phụ huynh học sinh “hỗ trợ” tiền trang trí lớp học, mua kệ đựng sách, dụng cụ học tập… đang gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Phan Đoàn Thái cho biết: Sở đã có văn bản hướng dẫn thực hiện thu phí và các khoản đóng góp ở các trường ngay đầu năm học rất cụ thể. Trong đó lưu ý các khoản thu, mức thu phải được thỏa thuận với Ban ĐDCMHS để thống nhất, phải công khai, minh bạch chi tiêu đúng quy định. Riêng kinh phí hoạt động của Ban (ĐDCMHS) lớp và trường, phải thực hiện trên tinh thần vận động ủng hộ, không được quy định mức trần, áp đặt buộc phụ huynh đóng góp. “Tùy điều kiện của phụ huynh, có người có thể đóng góp 1 triệu đồng, hay 2 triệu đồng cho lớp, trường có thể nhận, nhưng có trường hợp khó khăn, nghèo, thậm chí là miễn giảm”, ông Phan Đoàn Thái lưu ý. Điều 10 Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ các khoản ủng hộ của Ban ĐDCMHS chỉ dành phục vụ cho các hoạt động của học sinh, nếu sử dụng còn thừa để sang năm sử dụng, không dùng chi sai các mục đích khác và phải được công khai. Ông Thái khuyến cáo các trường tránh lạm dụng quỹ Ban ĐDCMHS để mua sắm máy móc như ti vi, quạt máy, sửa chữa trường lớp, hỗ trợ công tác quản lý… Nếu phát hiện trường nào thu sai, thanh tra ngành giáo dục sẽ thu hồi và hoàn trả lại ngay cho học sinh, đồng thời có biện pháp xử lý.

    
      “Tùy điều kiện của phụ huynh, có người có thể đóng góp 1 triệu đồng hay   2 triệu đồng cho lớp, trường có thể nhận, nhưng có trường hợp khó khăn,   nghèo thậm chí là miễn giảm”, ông Phan Đoàn Thái lưu ý.

Kha Thy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các khoản thu đầu năm: Phí hội có bị lạm dụng?