Theo dõi trên

Cải thiện môi trường từ “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp”

18/12/2023, 05:44

Bình Thuận có diện tích canh tác lúa hằng năm bình quân khoảng 120.000 ha. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nông dân thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho cây trồng không chỉ tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, cây trồng và vật nuôi. Xuất phát từ hiện trạng trên, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp”.

Nỗ lực vì nền nông nghiệp sạch, bền vững

Sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại, tăng năng suất, chất lượng cây trồng là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ nông dân trong quá trình sử dụng thuốc BVTV không thu gom tại các vị trí cố định, mà trực tiếp vứt bỏ bừa bãi trên các con kênh, bờ đê, trong đất vườn và một số đem đốt hoặc vùi xuống đất... Rất nhiều vỏ thuốc BVTV tồn dư lâu năm, được vùi xuống lòng đất không phân hủy được, cùng với đó, những vỏ chai, bao bì thuốc BVTV còn chứa 1 lượng ít thuốc đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ô nhiễm môi trường. Tuy thời gian qua, công tác thu gom rác thải trên đồng ruộng, nhất là vỏ bao bì thuốc BVTV đã được chính quyền và các ngành liên quan triển khai hỗ trợ lắp đặt các bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng nhưng so với yêu cầu đặt ra chưa đủ và công tác thu gom chưa được thực hiện thường xuyên.

img_0847.jpeg

Hội nông dân tỉnh bàn giao bể chứa cho các xã

Trước thực trạng trên, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai mô hình “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp” cho nhiều địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất, vào cuối tháng 11/2023, Hội Nông dân tỉnh đã bàn giao, lắp đạt 40 bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp cho xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh (20 bể) và xã Mê Pu, xã Đa Kai, huyện Đức Linh (20 bể) với tổng trị giá 100 triệu đồng.

img_0865.jpeg

Hội Nông dân tỉnh bàn giao bể chứa cho các xã.

Theo ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đây sẽ là các mô hình mẫu để Hội Nông dân các xã, các chi Hội có điều kiện học tập, từng bước nhân rộng ra trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung để hướng một cuộc sống khỏe hơn, môi trường xanh, sạch, đẹp và phát triển sản xuất bền vững. Để mô hình được triển khai hiệu quả, Tỉnh hội đã thành lập Ban Quản lý mô hình cấp tỉnh cùng Ban Quản lý mô hình cấp xã phối hợp theo dõi triển khai thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, thành lập các tổ thu gom tại địa bàn xã, thị trấn để tập huấn kỹ thuật thực hiện mô hình, các phương thức bảo quản mô hình, quản lý nguồn rác, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, hướng dẫn giúp đỡ, hỗ trợ tài liệu, xây dựng mô hình điểm. Cùng với việc quản lý, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, Ban Quản lý mô hình còn tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên, nông dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ cụ thể nhưng mang lại lợi ích lớn như tự thu gom và phân loại rác thải tại gia đình và đổ rác đúng nơi quy định; thu gom vỏ chai, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định.

img_0852.jpeg

Nông dân đã ý thức hơn trong việc thu gom vỏ chai thuốc BVTV

Hiệu quả từ mô hình

Từ khi có bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV tại các cánh đồng trên địa bàn các xã, thị trấn đã dần hình thành thói quen cho người trồng trọt có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước. Nông dân Lê Văn Xá (thôn 1, xã Bắc Ruộng) cho biết sau khi các cánh đồng lúa được lắp đặt bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp này, bản thân tôi và mọi người nông dân nơi đây đều vui mừng, chúng tôi luôn ý thức được tác hại của rác thải nông nghiệp nên luôn bỏ rác vào bể, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ chính sức khỏe của mình.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm, tại các địa phương được triển khai mô hình, Ban Quản lý mô hình đã phấn đấu tuyên truyền, vận động cho 100% hộ hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ môi trường; 100% số hộ trong xã biết đổ rác đúng nơi quy định; 100% hộ trong toàn xã tham gia thực hiện quy chế thu gom rác thải, chất thải của mô hình và 100% khu dân cư trên địa bàn có bể chứa rác thải được thu gom và xử lý hợp vệ sinh. Cùng với đó, hội viên nông dân có ý thức bảo vệ môi trường, duy trì phong trào Ngày chủ nhật xanh- sạch- đẹp, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa...

Trong thời gian tới, để mô hình tiếp tục được nhân rộng và phát huy hiệu quả, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng và tổ chức thu gom, xử lý bao bì từ các bể chứa theo quy định. Và quan trọng nhất là sự đóng góp của bà con nông dân trong việc huy động nguồn lực và ý thức bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc BVTV. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững.

NGỌC HÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cùng chung tay bảo vệ môi trường ven biển
Lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường cho hay: “Thông qua hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn” do Bộ Tài nguyên & Môi trường phát động, cùng với hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” do tỉnh đăng cai, 10 huyện, thị, thành phố đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường ven biển, khu vực nội thị, nông thôn.
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải thiện môi trường từ “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp”