Chi cục Trồng trọt và BVTV vừa tiến hành kiểm tra thực tế đồng ruộng về tình hình sâu bệnh hại lúa vụ đông xuân tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Qua kiểm tra, Chi cục dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện đợt sâu đục thân gây hại nặng trên trà lúa. Cụ thể, từ ngày 5-15/2/2022 (bướm rộ ngày 25-31/1) gây hại trên trà lúa đòng-trổ. Ngày 20/1 - 2/2/2022 (bướm rộ ngày 10-15/2) gây hại trên trà lúa đẻ nhánh-đòng.
Do đó, để ngăn ngừa sâu đục thân phát sinh gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất vụ lúa vụ đông xuân, Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ hiệu quả sâu đục thân gây hại trên lúa. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu đục thân sau khi bướm rộ 5-7 ngày là biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất. Nên chọn các loại thuốc có tính lưu dẫn. Có thể sử dụng một trong các nhóm thuốc như Abamectin, Carbosulfan, Azadirachtin, Bacillus thurigiensis… Đối với những ruộng bị sâu đục thân gây hại nặng, sau khi thu hoạch xong nên cày lật gốc rạ. Đồng thời, vệ sinh đồng ruộng để tiêu diệt sâu non và nhộng nhằm ngăn ngừa sự phát sinh gây hại sâu đục thân trong vụ sau. Lưu ý, nếu bị sâu đục thân gây hại ở giai đoạn mạ (dưới 25 ngày tuổi), rải phân bổ sung và dặm tỉa. Hạn chế sử dụng thuốc hóa học trước 40 ngày sau sạ để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu đục thân có trong ruộng lúa như bọ rùa, ong ký sinh, nhện, bọ cánh cứng 3 khoang...
Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xuống giống được khoảng 37.700 ha lúa đông xuân, đang ở các giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ. Trong đó, diện tích lúa bị nhiễm bệnh sâu đục thân trên 450 ha.